Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) tại cuộc gặp ở Manila ngày 2/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Các động thái của Mỹ liên quan đến tập trận quân sự ngày càng nâng cao và các đợt luân chuyển quân bổ sung ở khu vực quan trọng. Các thông báo trong những tuần gần đây đã gây ra phản ứng bất bình từ cả Trung Quốc và Triều Tiên.
Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến công du thứ bảy tới châu Á trong hai năm qua, hôm 2/2 đã công bố thỏa thuận với Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ tại các khu vực chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này. Bộ trưởng Austin gọi đó là một “thỏa thuận lớn” mặc dù nó không thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ, điều bị cấm theo Hiến pháp Philippines. Tuy nhiên, hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá thỏa thuận này đã tạo điều kiện để quân đội Mỹ có tầm nhìn bao quát về hai điểm quan trọng: Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Theo các quan chức, có khoảng 500 binh lính Mỹ ở Philippines, nhưng có hàng nghìn quân nhân luân phiên ra vào trong suốt một năm để thực hiện các cuộc tập trận quân sự, viện trợ nhân đạo, huấn luyện và nhiệm vụ khác. Philippines tạo điều kiện để các lực lượng Mỹ ở trong doanh trại được chỉ định tại nước này. Mỹ đã có quyền tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cáo buộc Mỹ theo đuổi “chương trình nghị sự ích kỷ” với thỏa thuận mới, gọi đó là “hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Hàn Quốc
Tại Seoul hôm 31/1, Bộ trưởng Lloyd Austin tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường triển khai các khí tài quân sự tiên tiến tới Bán đảo Triều Tiên, bao gồm chiến đấu cơ và tàu sân bay để đẩy mạnh huấn luyện và lập kế hoạch chung.
Bộ trưởng Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-Sup đã nhất trí mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung, bao gồm nhiều cuộc thao diễn bắn đạn thật hơn. Và họ đã thảo luận về việc chuẩn bị cho một cuộc tập trận mô phỏng vào tháng 2 nhằm tăng cường phản ứng nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã bắn thử hàng chục tên lửa vào năm 2022, bao gồm cả những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế có thể vươn tới các mục tiêu ở Hàn Quốc và Mỹ.
Mỹ đã nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc vào năm ngoái, bao gồm một cuộc tập trận trên không có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược Mỹ vào tháng 11/2022. Mỹ và Hàn Quốc từng thu hẹp quy mô các cuộc tập trận chung trong những năm gần đây để tạo cơ hội ngoại giao với Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và vì đại dịch COVID-19.
Đáp lại, Triều Tiên cho biết sẵn sàng chống lại các động thái quân sự của Mỹ bằng “lực lượng hạt nhân áp đảo nhất”. Bình Nhưỡng cho rằng việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự đang đẩy căng thẳng đến một “lằn ranh đỏ cực độ”.
Nhật Bản
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (thứ 2, phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada (trái) tại cuộc gặp ở Mỹ, ngày 12/1. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vào tháng 1, Mỹ và Nhật Bản đồng ý điều chỉnh sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa. Mỹ và Nhật Bản cũng bổ sung không gian vũ trụ trong hiệp ước an ninh lâu đời giữa hai nước, làm rõ rằng “các cuộc tấn công từ vũ trụ và trong vũ trụ” có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước.
Nhật Bản còn tuyên bố sẽ khởi công đường băng trên hòn đảo nhỏ phía Nam đảo Mageshima, nơi các cuộc tập trận chung, hoạt động đổ bộ và đánh chặn tên lửa có thể bắt đầu trong khoảng 4 năm nữa. Hòn đảo Mageshima sẽ là một trung tâm triển khai binh sĩ và cung cấp đạn dược trong trường hợp xảy ra xung đột.
Những thay đổi trong việc triển khai của Mỹ tại Okinawa sẽ biến Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 12 thành một đơn vị nhỏ hơn, cơ động nhanh hơn có tên Trung đoàn Duyên hải số 12. Đơn vị này sẽ được trang bị tốt hơn để chiến đấu với kẻ thù và bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực.