Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt: Cú "ăn miếng trả miếng" đanh thép của 2 đồng minh chiến lược lâu năm

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Vốn là 2 nước đồng minh chiến lược quân sự lâu năm nhưng mới đây Thổ Nhĩ Ký-Mỹ lại có màn đối đầu căng thẳng dẫn tới rạn nứt quan hệ song phương.

Không chỉ mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU vẫn tiếp tục căng thẳng và trắc trở mà mối quan hệ giữa nước này và Mỹ hiện cũng đang như vậy. Có không ít nguyên do giống nhau, không phải mới vừa xuất hiện mà có quá trình.

Thực trạng này đẩy tất cả các bên liên quan vào tình thế khó xử bởi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và đa số thành viên EU đều là thành viên NATO mà bất hoà giữa họ như thế đương nhiên ảnh hưởng tiêu cực tới NATO trên không ít phương diện.

Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ của NATO vào thế giới Hồi giáo và khu vực Trung Đông, vùng Vịnh, là tiền đồn của NATO và Mỹ trong cuộc chiến chống những phần tử và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở khu vực này.

Thực trạng hiện tại như thế trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và EU phản ánh sự biến thái của mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống lâu năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng như mối quan hệ đối tác cũng đã nhiều năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, thực chất vấn đề là việc EU phê phán quan điểm chính sách đối nội của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong khi ông Erdogan hậm hực việc EU không chịu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ và lại còn can thiệp vào chuyện nội bộ ở nước này.

EU cáo buộc ông Erdogan từng bước bào mòn và bất chấp các tiêu chí dân chủ và nhà nước pháp quyền để thiết lập chế độ độc tài, thực hiện Hồi giáo hoá Thổ Nhĩ Kỳ và nhằm tới tầm vóc ảnh hưởng của Đế chế Osman khi xưa.

"Ăn miếng trả miếng"

Giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, thực chất mối bất hoà có chút khác. Căng thẳng hiện tại giữa hai bên bất ngờ leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho một tổng lãnh sự quán của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người này làm việc cho tổng lãnh sự quán Mỹ nhưng không phải là công dân Mỹ nên không được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao và lãnh sự.

Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt: Cú ăn miếng trả miếng đanh thép của 2 đồng minh chiến lược lâu năm - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ cùng lực lượng YPG hiện diện tại khu vực bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công hồi tháng 4. Ảnh Rueters

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc người này làm gián điệp cho Mỹ và có liên hệ với giáo sỹ Fethullah Guelen. Giáo sỹ Guelen vốn từng "cùng hội cùng thuyền" với ông Erdogan và đã giúp ông Erdogan đến với quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rồi hai người này đường ai nấy đi và ông Guelen lưu vong ở Mỹ.

Ông Erdogan coi vị giáo sĩ này là địch thủ chính trị đáng gờm nhất của mình nên được cho đã thanh trừng triệt để những người ủng hộ ông Guelen ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cáo buộc ông Guelen chủ mưu tiến hành cuộc đảo chính quân sự, nhưng thất bại, hồi năm 2015 ở Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Guelen về Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Mỹ phản ứng việc người làm việc cho Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ bằng quyết định ngừng cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ vô thời hạn cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ rút lại quyết định này nhưng chỉ một giờ sau đó đã trả đũa bằng biện pháp tương tự là ngừng cấp thị thực cho công dân Mỹ nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí còn phát lệnh bắt giữ một người Thổ Nhĩ Kỳ nữa làm việc cho tổng lãnh sự quán của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, năm ngoái có 313.654 công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh Mỹ và 459.453 công dân Mỹ nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, tức là tác động lợi cũng như hại của biện pháp ngừng cấp thị thực nhập cảnh này gần như nhau đối với cả hai bên.

Ông Erdogan đã gợi ý đánh đổi mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ từ cách đây hơn một năm lấy sự dẫn độ ông Guelen nhưng phía Mỹ không đồng ý, cho dù đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vài lần đề nghị ông Erdogan trả tự do cho ông Brunson.

Ở đây có chuyện phía Mỹ và cả EU coi việc dẫn độ ông Guelen là chính trị và trả tự do cho ông Brunson cũng như một số công dân EU nữa cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ là chuyện nhân đạo và nhân quyền.

Quan hệ đi xuống

Để đến mức "thân nhau lắm, cắn nhau đau" như hiện tại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn có tác động không kém phần quyết định của hai tác nhân khác nữa.

Thứ nhất là hệ luỵ của chính sách của người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng là Barack Obama đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt: Cú ăn miếng trả miếng đanh thép của 2 đồng minh chiến lược lâu năm - Ảnh 2.

Ông Obama vốn coi trọng ổn định hơn là dân chủ hoá ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, nhưng vào thời cuối nhiệm kỳ cầm quyền cuối cùng ở Mỹ đã thiên lệch hẳn về phía quan điểm của EU trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và phê phán ông Erdogan vi phạm dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Cặp quan hệ song phương này xấu đi từ đó.

Thứ hai là những xung khắc lợi ích cơ bản trong chính sách đối ngoại và an ninh liên quan đến Syria và quan hệ với Nga và Iran. Ở Syria, Mỹ ủng hộ người Kurd trong khi người Kurd là mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này ủng hộ Nga và Iran trong khi Mỹ thù địch Iran và cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Nga.

Làm găng với Mỹ tuy có lợi hiện tại về chính trị nội bộ cho ông Erdogan nhưng lại rất mạo hiểm và nhiều rủi ro về lâu dài vì Mỹ quá quan trọng về mọi phương diện đối với Thổ Nhĩ Kỳ và cách thức "bắt cá hai tay", tức là dùng quan hệ với Nga và Iran làm đối trọng, chỉ công hiệu nhất thời. Vì thế, chuyện hai bên "cắn nhau" chỉ là nhất thời, nhưng thân như xưa thì cũng không còn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại