Mỹ thất bại tại Afghanistan

Ngọc Việt |

Chính quyền Taliban bị xóa sổ bởi bom đạn của Mỹ và NATO nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt bằng những thứ vũ khí ấy...

Đã hơn 15 năm, kể từ ngày 7/10/2001, khi Tổng thống Mỹ George W.Bush phát lệnh mở đầu cuộc chiến chống khủng bố quốc tế bằng việc tấn công vào Afghanistan nhằm lật đổ chế độ Taliban vị tội chứa chấp Bin Laden – nghi phạm được cho là đạo diễn vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ diễn ra ngày 11/9/2001.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này - khi nghi phạm đã bị giết, chế độ chứa chấp nghi phạm cũng đã bị xóa sổ – nhưng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại đất nước vùng Trung Nam Á này vẫn không có một kết quả khả dĩ nào, thậm chí là ngược lại.

Ngày 10/1/2017 vụ đánh bom liều chết xảy ra tại tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan làm 13 người thương vong, ngày 7/2/2017 vụ đánh bom liều chết tại Tòa án tối cao ở trung tâm thủ đô Kabul làm 60 người thương vong.

Ngày 11/2/2017 vụ đánh bom liều chết xảy ra tại thủ phủ tỉnh Helmand làm 27 người thương vong và ngày 8/3/2017 Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tấn công vào bệnh viện quân đội lớn nhất tại Afghanistan làm 80 người thương vong.

 Mỹ thất bại tại Afghanistan - Ảnh 1.

IS đã tấn công trực diện tại Afghanistan chứ không chỉ là đánh bom liều chết nữa

Như vậy là với thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra liên tiếp 4 cuộc tấn công khủng bố tại Kabul và Helmand làm gần 200 người thương vong và mức độ các cuộc khủng bố ngày càng tàn bạo hơn.

Đặc biệt, IS đã thực hiện cuộc tấn công trực diện chứ không còn là đánh bom liều chết nữa. Điều cho thấy khủng bổ rất xem thường Mỹ và lực lượng an ninh do Mỹ huấn luyện.

Tại sao sự thể lại tồi tệ như vậy?

Mỹ đã quên

Có thể thấy rằng, nhà nước Afghanistan mang tính chất một nhà nước trung ương phân quyền rõ nét nhất hiện nay. Dù không hoàn toàn bị phân chia bởi tính cát cứ nhưng quyền uy và sức mạnh của chính quyền trung ương tại quốc gia này đối với các bộ tộc rất hạn chế.

Chính sách của Kabul sẽ không được thực thi tại một khu vực nếu không được phép của bộ tộc tại đó.

Vì vậy, chính quyền trung ương tại Afghanistan thường không có sức mạnh thật sự. Và chính phủ nào muốn khẳng định sức mạnh của mình mà bỏ qua sức mạnh của của các bộ tộc thì đều không thể thành công, thể chế luôn trong sự chông chênh và chế độ có thể sụp đổ hoặc bị lật đổ bất cứ lúc nào, theo Le Monde ngày 24/10/2001.

Đây có thể xem là một hạn chế trong quan điểm chính trị của Liên Xô khi đưa quân vào Afghanistan.

Mười năm trời đồn trú tại đất nước vùng Trung Nam Á này, quân đội Liên Xô đã chịu tổn thất vô cùng nặng nề, bởi khi đó ngoài việc đối chọi với lực lượng mujahideen, quân đội Liên Xô còn phải đối mặt với sức mạnh của các bộ tộc.

Liên Xô dường như không xem trọng tính phân quyền hình thành một cách tự nhiên tại xứ A-phú-hãn này nên đã quyết tâm xây dựng một chính quyền trung ương hùng mạnh tại Kabul, song không thể làm được điều ấy.

Kết quả là sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Afghanistan, sau khi Liên Xô rút quân, theo BBC ngày 27/9/1996.

Giới phân tích từng nhận định rằng, chính phủ của Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar - nắm quyền sau khi lật đổ nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Afghanistan - sẽ tồn tại lâu dài vì họ là lực lượng du kích, hoạt động bao năm trong lòng các bộ lạc, cùng các bộ tộc chống lại Liên Xô nên họ có thể nhận được sự hậu thuẫn của các bộ tộc nếu tính phân quyền được thực thi hợp lý.

Tuy nhiên vì quá tham vọng quyền lực nên chính phủ của Gulbuddin Hekmatyar đã quên nguyên tắc phân chia quyền lực giữa chính phủ trung ương với các bộ tộc và họ đã nhanh chóng bị lật đổ bởi lực lượng Taliban cực đoan.

Có thể nhận định rằng, trong gần nửa thế kỷ qua, chính quyền Taliban mới là chính quyền có quyền lực nhất tại đất nước Afghanistan. Nhiều người cho rằng điều đó là do Taliban hà khắc nên gây ra sự sợ hãi cho dân chúng Afghanistan chứ không phải chính quyền trung ương của Taliban mạnh.

Song thật sự thì Taliban có sức mạnh của một chính quyền, một nhà nước và điều đó được hình thành từ sự phân chia quyền lợi giữa chính quyền trung ương và các bộ tộc. Và đây mới là nguyên nhân chính của việc Taliban không thể bị tiêu diệt tại Afghanistan sau hơn chục năm bị quân đội Mỹ lật đổ và tìm diệt.

Có thể thấy rằng, chính quyền Taliban bị xóa sổ bởi bom đạn của Mỹ và NATO nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt bằng những thứ vũ khí ấy bởi chúng có một thứ lá chắn rất lợi hại – đó là sự ủng hộ, che chở của các bộ tộc tại Afghanistan.

Washington đã không chuẩn xác khi chỉ chú trọng xây dựng chính quyền thân Mỹ tại Afghanistan.

Bởi lẽ trong hàng chục năm trời, chính quyền Tổng thống Hamid Karzai chỉ nắm được Kabul và những vùng lân cận, còn các bộ tộc ở những vùng xa thì quyền lực của chính phủ Hamid Karzai không có chỗ đứng, mà đó là đất sống của Taliban. Và khi Mỹ rút đến đâu thì Taliban trỗi dậy đến đó.

Không những vậy, Washington còn sai lầm khi để cho IS chạy được về Afghanistan, tạo thế chân vạc IS – Taliban – al-Qaeda trong hoạt động tấn công khủng bố. IS, Taliban, al-Qeda, mỗi tổ chức có triết lý và thế mạnh khác nhau, do vậy, khi IS dời đô về Afghanistan thì chúng không cộng hưởng với Taliban và al-Qaeda, song chắc chắn chúng sẽ cộng sinh.

Có thể nhận diện việc để cho IS chạy được về “vùng đất hứa” Afghanistan là sai lầm mang tính chiến lược, bởi từ đó cả ba tổ chức khủng bố đã có được điều kiện tốt nhất để tồn tại và sự cộng sinh giữa IS – Taliban – al-Qaeda đã khiến cho khả năng hoành hành của chúng trở nên dữ dội và ác liệt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại