Mỹ tăng tốc kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Hoàng Phương |

Mỹ nhìn thấy mối liên hệ giữa các dự án hạ tầng và phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài, như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), với những mục tiêu quân sự, chiến lược của Bắc Kinh và đang có biện pháp ứng phó.

Đó là nhận định được cây bút Emanuele Scimia đưa ra trong bài viết đăng trên báo South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 23-8.

Trong báo cáo thường niên được công bố tuần rồi, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh nỗi lo máy bay ném bom Trung Quốc có thể tấn công các cơ sở của Washington và đồng minh ở Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, báo cáo nêu bật hải quân Trung Quốc đang cải thiện khả năng hoạt động, thể hiện qua một loạt chiến dịch tại vùng biển phía Tây và Nam Thái Bình Dương cũng như ở Ấn Độ Dương trong năm 2017.

Vấn đề là năng lực phòng thủ của Mỹ ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương có những điểm yếu mà Trung Quốc có thể khai thác.

Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2019 vừa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 13-8, quốc hội Mỹ nhấn mạnh sự cạnh tranh chiến lược lâu dài với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu.

Cả chính quyền ông Trump lẫn quốc hội Mỹ không ít lần chỉ trích Trung Quốc sử dụng đầu tư và các khoản cho vay ưu đãi để lôi kéo các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đứng về phía mình.

Trong nỗ lực đối phó tham vọng trên, NDAA 2019 kêu gọi "tái thiết kế, mở rộng và gia hạn" Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á của Washington. Điều này có nghĩa những quốc gia ở Nam Á, như Sri Lanka và Bangladesh, sẽ được quân đội Mỹ hỗ trợ và huấn luyện.

Trong bước đi đầu tiên nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka, Mỹ gần đây thông báo viện trợ 39 triệu USD để giúp đảo quốc Ấn Độ Dương này cải thiện an ninh hàng hải.

Sri Lanka đang bị xem là nạn nhân của "ngoại giao bẫy nợ" sau khi buộc phải cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm vì không thể trả các khoản vay phát triển hạ tầng.

Khoản viện trợ dành cho Sri Lanka là một phần số tiền 300 triệu USD của Washington nhằm hỗ trợ trật tự dựa trên luật lệ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cũng tại Nam Á, Mỹ và Ấn Độ có thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang hai nước sử dụng cơ sở quân sự của nhau, bao gồm căn cứ hải quân.

Theo ông Scimia, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương dường như nhằm ngăn chặn Trung Quốc xây dựng thêm nhiều cơ sở hậu cần và tình báo khác ở nước ngoài bên cạnh căn cứ hải quân đầu tiên ở hải ngoại (tại Djibouti). Hải quân Trung Quốc đang cần đến mạng lưới cơ sở này để hỗ trợ tham vọng triển khai sức mạnh quân sự từ Đông Phi đến tận Hawaii.

Trong bước đi khác được cho là nhằm kiềm chế Bắc Kinh, chính quyền ông Trump đang leo thang cuộc chiến thương mại bằng cách đánh thuế 25% vào 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 23-8, dẫn đến động thái trả đũa tương tự từ đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại