Ngân sách quốc phòng gần 700 tỷ USD
Ngày 14/7 Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trao quyền quốc phòng, luật này xác định cung cấp 696 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, luật này sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là do chi tiêu quân sự đưa ra vượt mức 619 tỷ USD năm 2016. Điều này đã vi phạm yêu cầu "tự động cắt giảm" chi tiêu chính phủ của Luật kiểm soát ngân sách năm 2011.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thông qua cắt giảm mạnh những chi tiêu phi khác để tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đang kiểm soát đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Nhưng muốn phương án của ông có hiệu lực thì cần phải nhận được sự ủng hộ của người Đảng Dân chủ, trong khi Đảng Dân chủ luôn từ chối sửa đổi ngân sách như vậy.
Luật trao quyền quốc phòng trên có kế hoạch tăng 25% chi tiêu cho phòng thủ tên lửa, tăng vài nghìn binh sĩ cho lục quân, cung cấp 5 tàu chiến mới cho hải quân, đồng thời tăng lương 2,4% cho quân nhân Mỹ - đây là mức tăng lương lớn nhất trong 8 năm qua.
Dưới sự thúc đẩy của các nghị sĩ lo ngại hoạt động trên vũ trụ của Trung Quốc và Nga, luật này sẽ còn dự định thành lập quân chủng lực lượng vũ trụ mới, nhưng chủ trương này bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phản đối.
Cuối năm 2017, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành biểu quyết đối với dự luật này. Bản do Thượng viện phê chuẩn phải thống nhất với bản của Hạ viện. Sau đó, dự luật được đưa đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký.
Theo hãng Yonhap Hàn Quốc ngày 14/7, việc Mỹ tăng chi tiêu cho chương trình phòng thủ tên lửa là để đối phó với Triều Tiên. Chi tiêu cho chương trình này khoảng 12,5 tỷ USD.
Chủ tịch Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ Mac Thornberry. Ảnh: Amarillo Globe-News
Trang mạng của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ cho biết: "Xét thấy Triều Tiên, Iran và các nước khác tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với lãnh thổ Mỹ và đồng minh khu vực, Ủy ban tiếp tục trở thành người ủng hộ kiên định và mạnh mẽ cho chương trình phòng thủ tên lửa.
Trên cơ sở yêu cầu ngân sách của Tổng thống, dự luật đã tăng thêm 2,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu phòng thủ tên lửa quan trọng".
Chủ tịch Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho rằng dự luật này là sự ủng hộ đối với lực lượng vũ trang.
Ông nói: "Dự luật này sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bắt đầu cải cách và xây dựng lại quân đội, bao gồm tăng chi tiêu quân sự to lớn để khắc phục những hạn chế về sẵn sàng chiến đấu. Dự luật sẽ còn tiến hành tăng lương với mức lớn nhất trong 8 năm qua. Dự luật sẽ tăng cường phòng thủ tên lửa trong khi các mối đe dọa tiếp tục trầm trọng hơn".
Dự luật yêu cầu tiếp tục tăng cường liên minh với Hàn Quốc, bao gồm thông qua triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.
Tăng cường bán vũ khí Đài Loan
Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2018 của Mỹ tiếp tục đề cập đến Luật quan hệ với Đài Loan và "6 cam kết". Quốc hội Mỹ nhấn mạnh, Mỹ cần mở rộng giao lưu quân đội và trao đổi tướng lĩnh cấp cao Mỹ - Đài.
Hãng tin CNA Đài Loan cho rằng Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2018 không chỉ có nội dung đánh giá hoạt động thăm viếng lẫn nhau của tàu chiến Đài Loan và Mỹ, mà còn yêu cầu cơ quan hành chính báo cáo định kỳ quy trình bán vũ khí, để Quốc hội Mỹ phát huy vai trò tích cực hơn trong bán vũ khí cho Đài Loan.
Hai nội dung liên quan đến Đài Loan này đều được thông qua mà không có phiếu chống nào. Nội dung điều khoản về tàu chiến thăm viếng lẫn nhau cơ bản tương đồng với bản mới được thông qua của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Yoho. Ảnh: Florida Politics
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Yoho đề xuất phương án sửa đổi về độ minh bạch và tính thường xuyên của quy trình bán vũ khí cho Đài Loan. Theo đó, Quốc hội Mỹ cho rằng sau khi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được thư chào giá của Đài Loan, cần đệ trình lên Quốc hội báo cáo về thư chào giá bán vũ khí cho Đài Loan trong vòng 120 ngày.
Ngoài ra, trong thời gian 180 ngày sau khi Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2018 có hiệu lực, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ cần phải báo cáo tóm tắt các thách thức an ninh của Đài Loan lên ủy ban liên quan của Hạ viện một cách định kỳ, nửa năm một lần, nội dung báo cáo phải có thư chào giá bán vũ khí mà Đài Loan đưa ra.
Những thư chào giá bán vũ khí cho Đài Loan mà Mỹ đã ký duyệt hoặc chưa ký duyệt thì cơ quan hành chính đều phải báo cáo tóm tắt cho Quốc hội.
Lợi ích của minh bạch quy trình bán vũ khí là thông tin về nhu cầu mua vũ khí của Đài Loan, quy trình đánh giá theo yêu cầu lập pháp của cơ quan hành chính Mỹ được công khai hơn cho Quốc hội, có lợi cho thúc đẩy bán vũ khí cho Đài Loan một cách định kỳ và thường xuyên.
Ngoài ra, độ minh bạch và tính thường xuyên của quy trình bán vũ khí cho Đài Loan là bày tỏ ý kiến với Quốc hội Mỹ, mức độ thực hiện vẫn phải xem thái độ thực hiện của cơ quan hành chính.
Nội dung thăm viếng tàu chiến lẫn nhau giữa Mỹ và Đài Loan là do hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mark Walker đưa ra, tương tự văn bản của Thượng viện. Luật yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đệ trình lên ủy ban liên quan của Hạ viện vào ngày 1/9/2018 về báo cáo đánh giá tính khả thi tàu chiến Mỹ thăm và neo đậu ở cảng biển Đài Loan.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình báo cáo tính khả thi về việc Mỹ tiếp nhận tàu chiến Đài Loan đến Hawaii và Guam.
Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan. Ảnh: Sina
Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2018 vừa được Ủy ban quân sự Thượng viện thông qua vẫn phải chờ hội nghị toàn thể Thượng viện phê duyệt.
Theo trình tự lập pháp Mỹ, các dự luật do Thượng viện và Hạ viện thông qua nếu khác nhau về lời văn thì phải phối hợp để đưa ra một văn bản thống nhất. Sau khi văn bản thống nhất được thông qua cả ở hai viện thì giao cho Tổng thống ký kết và chính thức có hiệu lực.