Theo nguồn tin trên, vòng đời hoạt động của máy bay F-16 hiện có trong biên chế Không quân Mỹ là 8.000 giờ.
Trong tương lai, con số này sẽ được tăng lên 12.000 giờ bay. Quyết định kéo dài vòng đời sử dụng máy bay F-16 được giới chức Không quân Mỹ quyết định dựa trên báo cáo phân tích do hãng chế tạo Lockheed Martin, nơi phát triển và chế tạo dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ này, thực hiện.
Báo cáo của Lockheed Martin nhận định, Không quân Mỹ có thể nâng cấp hơn 300 máy bay F-16 phiên bản Block 40 lên chuẩn Block 52. Các đơn vị F-16 nâng cấp sẽ có thêm thời gian phục vụ tới tận cuối những năm 2040 và thậm chí là hơn.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ. Ảnh: Getty.
Nhiều năm qua, Không quân Mỹ đã tính toán kế hoạch kéo dài thời gian phục vụ của máy bay F-16. Trong năm 2015, một số lượng nhỏ máy bay F-16 đã được Lockheed Martin nâng cấp và tiến hành các bài thử nghiệm kéo dài thời gian phục vụ.
Kết quả của thử nghiệm khẳng định, máy bay F-16 vẫn có thể hoạt động tốt kể cả khi bay hơn 16.000 giờ. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, máy bay F-16 cần được nâng cấp sâu tới mức gần như can thiệp và hệ thống khung thân của máy bay.
Sau khi đơn giản hóa quá trình này, Phó chủ tịch Lockheed Martin khẳng định, máy bay F-16 của Không quân Mỹ sau khi nâng cấp có thể kéo dài tuổi thọ lên tới 12.000 giờ bay.
Mới đây, Không quân Mỹ đã công bố kế hoạch nâng cấp và mua thêm máy bay F-16 mới để thay thế cho các đơn vị máy bay F-15 cũ. Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, ở thời điểm hiện tại, những phiên bản nâng cấp mới nhất của máy bay chiến đấu F-16 có tính năng không thua kém gì các đơn vị máy bay không chiến chuyên nghiệp F-15.
Trong khi đó, máy bay F-16 lại có chi phí giờ bay rẻ hơn, quá trình bảo dưỡng, nâng cấp cũng đơn giản hơn. Ngoài ra, việc chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 F-35 Lighting II chậm trễ đã buộc Không quân Mỹ phải có phương án kéo dài vòng đời sử dụng các đơn vị máy bay chiến đấu hiện có để duy trì sức mạnh không quân.