Mỹ-Syria: 'Đang yên đang lành', cớ sao ông Trump bỗng dưng muốn thoát khỏi chảo, rơi vào lửa?

Hồng Anh |

Không ai có thể biết được là ai hay điều gì đã thôi thúc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria vào thời điểm hiện tại...

* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Dov S. Zakheim, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại.

Ông Zakheim từng nắm giữ các vị trí cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1985-1987 và 2001-2004.

---

Ông Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria: Người cười...

Quả thực, dòng tweet tuyên bố Mỹ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố IS được đưa ra không lâu sau khi các quan chức cấp cao trong chính quyền ông, trong đó bao gồm nhà ngoại giao kì cựu Brett McGurk - người từng là đặc phái viên của Mỹ tại Liên minh Chống ISIL Toàn cầu kể từ năm 2015 - đặc biệt nhấn mạnh rằng Mỹ không thể rời khỏi Syria khi hàng ngàn phần tử khủng bố IS vẫn đang tiếp tục đang hoành hành ở đó.

Tất nhiên, chúng ta đã được thấy ngay một hậu quả nhãn tiền: Quyết định của ông Trump đã khiến nước Mỹ mất đi vị Bộ trưởng Quốc phòng tận tâm, đáng kính, người đã từ chối đánh đổi lý tưởng của mình cho chiếc ghế trong nội các của vị Tổng thống đương nhiệm.

Thế nhưng hậu quả chiến lược của quyết định trên sẽ không chỉ dừng lại ở sự ra đi của Tướng Mattis. Ta hoàn toàn có thể dự đoán được một số quốc gia sẽ hả hê sau khi Syria không còn bóng dáng quân đội Mỹ.

Thứ nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ý hoan nghênh quyết định của ông Trump, nhưng đó không chỉ đơn thuần là cử chỉ lịch sự.

Việc Mỹ rút toàn bộ 2.000 binh lính khỏi Syria sẽ càng giúp Nga giữ vững ngôi đầu ảnh hưởng tại khu vực Đông Địa Trung Hải. Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp và thậm chí cả Ả Rập Saudi và Tổng thống Bashar al-Assad vốn đã thiết lập mối quan hệ tốt với Moskva, và các nước này đều cho rằng Nga sẽ lấy lại "tiếng nói" của mình trong khu vực. Hơn nữa, Nga sẽ trở thành trọng tài cho tương lai của Syria.

Ngoài ra, ông Putin sẽ có cái cớ để lập luận rằng Washington lại một lần nữa lộ bản chất thất thường và không đáng tin cậy trong vai trò một người đồng minh: Mỹ đã phản bội người Kurd ở Syria, cũng giống như trước đây họ từng phản bội Iraq vào năm 1918 và 1991.

Thứ hai, quyết định của Mỹ còn là "cái tát" bất ngờ vào chính những đồng minh của nước này thuộc liên minh chiến đấu chống IS (như Anh và Pháp).

Trong khi đó, Nga đã sát cánh cùng chính quyền ông Assad từ những ngày đầu, bất chấp các quan chức Mỹ, châu Âu. các học giả, và thậm chí cả cựu Tổng thống Barack Obama khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng chính quyền Assad sắp đến "ngày tàn".

Không chỉ Nga, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lợi từ quyết định của ông Trump. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giờ đã được "rảnh tay" để tấn công Lực lượng dân quân người Kurd (YPG), và nhánh chính trị của lực lượng này - Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD).

Trong 6 năm qua, lực lượng này đã kiểm soát một khu vực ở miền Bắc Syria, được gọi là Rojava. Ông Erdogan từ lâu đã phản đối mối quan hệ của Washington và người Kurd tại Syria, lực lượng ông coi là một nhánh của Đảng Lao động người Kurd (PKK).

Trước đây, do nể mặt Mỹ, nên ông Erdogan đã kiềm chế không đưa quân tới vùng Tây Bắc Syria. Nhưng sau khi quân Mỹ rời khỏi khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể vươn cánh tay tới khu vực của người Kurd.

Mỹ-Syria: Đang yên đang lành, cớ sao ông Trump bỗng dưng muốn thoát khỏi chảo, rơi vào lửa? - Ảnh 2.

Mỹ thực sự sẽ rút hết lực lượng tại Syria về nước? Ảnh: Quân đội Mỹ.

... Kẻ khóc

Quyết định vội vã và thiếu sáng suốt của ông Trump không chỉ có lợi đối với hai ông Putin và Erdogan, mà nó còn "mở rộng đường" cho Iran và Hezbollah, mối đe dọa trực tiếp đối với Israel tại khu vực phía Tây Syria. Israel lâu nay vẫn ủng hộ Mỹ duy trì quân đội ở khu vực Đông Bắc Syria, nơi nước này coi là vị trí trọng yếu để cản chân quân đội Iran tiếp cận biên giới.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman từng khẳng định rằng quyết định của ông Trump có thể gây ra một "cuộc chiến toàn diện" giữa các lực lượng ủy nhiệm của Israel và Iran, một khi Iran được mở đường tới Lebanon qua Iraq và Syria, thì cuộc chiến bóng tối hiện nay giữa hai nước này có thể sẽ bùng nổ công khai.

Nếu điều đó xảy ra, thì việc Mỹ giúp Israel "đối phó" với Iran sẽ là điều không thể tránh khỏi, và chắc chắn Washington sẽ phải điều thêm lực lượng tới khu vực này - thậm chí nhiều hơn số binh lính hiện đang đóng quân tại Syria.

Do đó, có thể kết luận rằng Israel rõ ràng là kẻ thua cuộc sau những sự kiện xảy ra gần đây. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng, do quyết định của ông Trump, Israel sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các chiến dịch của mình tại Syria. Điều này càng chứng tỏ dự đoán của tướng Liberman rất có khả năng sẽ thành hiện thực.

Ông Netanyahu cũng có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng về mặt chính trị do quyết định của Tổng thống Trump, khi mối liên kết chặt chẽ với ông chủ Nhà Trắng theo lời khuyên của Đại sứ Israel tại Washington có thể trở thành dây buộc mình đối với Thủ tướng Israel. Sau khi ông Trump đưa ra quyết định "gây sốc" vừa qua, chắc hẳn ông Netanyahu cũng đang rất khó xử trong nội bộ.

Dĩ nhiên, vẫn còn một kẻ thua cuộc khác, đó chính là nước Mỹ; bởi quyết định lần này của ông Trump đã trở thành giọt nước tràn ly đối với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, bởi trong lá đơn từ chức, tướng Mattis đã ngụ ý rõ ràng như vậy. Quả thật đáng tiếc, thật đáng hổ thẹn.

Điều gì đã khiến Tổng thống Trump đưa ra quyết định thiếu sáng suốt ấy?

Có thể ông Trump cảm thấy thời điểm thực hiện lời hứa rút quân khỏi Syria trong chiến dịch tranh cử của mình đã đến, khi vị Tổng thống này nhận ra việc xây tường biên giới ngày càng ngoài tầm với, bởi rất có thể ông sẽ không đạt đủ số phiếu thuận về vấn đề này trước khi Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1 tới.

Bởi lẽ đó, có thể ông Trump đã quyết định lựa chọn một lời hứa dễ thực hiện hơn.

Mặt khác, như thường lệ, có lẽ ông Trump cũng đang muốn đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi những vụ kiện cáo, điều tra xung quanh chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông, và những hành động đáng nghi của Tập đoàn Trump và Quỹ từ thiện Trump trước khi ông tuyên bố tranh cử vào năm 2015.

Một lí do khác, đó là có thể ông Trump đang muốn lấy lòng người đồng cấp Nga, sau hành động đột ngột hủy cuộc họp song phương đã được định trước, khiến ông Putin bẽ mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 Argentina. Điều này cũng lí giải cho hành động hoan nghênh và chúc mừng của vị Tổng thống Nga đối với quyết định của ông Trump.

Quyết định này cũng rất có khả năng là "phần thưởng" đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau thương vụ mua bán tên lửa Patriot PAC-3 trị giá tiền tỉ USD; hoặc là ông Trump cảm thấy quá buồn chán nên phải nghĩ cách khuấy động chính trường.

Không ai biết Tổng thống Trump đã nghĩ gì khi đưa ra quyết định đó, trừ khi sau này ông tự viết một cuốn từ truyện về quãng thời gian làm Tổng thống của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại