Mỹ sợ gì mà không dám ném bom nguyên tử hủy diệt Triều Tiên 50 năm trước dù có "cơ hội"?

Thi Anh |

Các lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ đã mất tới 2 tháng rưỡi để tính toán 25 phương án sau khi máy bay Mỹ bị Triều Tiên bắn hạ. Nhưng Nixon không làm gì cả.

Sau khi Tổng thống Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này đã đáp trả bằng cách khẳng định: Tổng thống Mỹ đã "tuyên chiến" và Triều Tiên có quyền bắn hạ nếu các máy bay ném bom của Mỹ di chuyển tới gần không phận của nước này. Trên thực tế, chuyện này đã từng xảy ra.

Ngày 15/4/1969, các tiêm kích MiG của Triều Tiên đã bắn hạ một máy bay trinh sát EC-121 của Mỹ khi nó bay qua bờ biển của báo đảo Triều Tiên (vẫn ở không phận phía trên vùng biển quốc tế), khiến toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Mỹ sợ gì mà không dám ném bom nguyên tử hủy diệt Triều Tiên 50 năm trước dù có cơ hội? - Ảnh 1.

Máy bay trinh sát EC-121 của Mỹ. Ảnh: US Navy

Các lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ: Tổng thống Mỹ Richard Nixon, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JSC) đã mất tới 2 tháng rưỡi để cân nhắc xem nên làm gì trong tình huống này.

Năm 2010, Trung tâm Dữ liệu An ninh Quốc gia, một đơn vị nghiên cứu thuộc đại học George Washington đã đăng tải những tài liệu từng được coi là tối mật mà trung tâm này khai thác được thông qua Luật Tự do Thông tin (FOIA). Những tài liệu này ghi chép và tóm tắt lại các cuộc thảo luận diễn ra vào thời điểm ấy.

Có vẻ như các cố vấn của ông Trump cũng đang tiến hành những cuộc thảo luận tương tự. Và nhiều khả năng, kết luận của họ cũng không khác so với kết luận của những người tiền nhiệm cách đây gần 50 năm.

25 phương án và lựa chọn của Nixon

Trong ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng 1969, các tham mưu trưởng đã gửi cho Kissinger một bản bị vong lục, liệt kê cái lợi và cái hại nếu không kích nhằm vào số lượng ít các căn cứ không quân của Triều Tiên.

Một mặt - họ viết - "phản ứng thận trọng và tích cực" sẽ thể hiện được "quyết tâm" của phía Mỹ. Mặt khác, cuộc tấn công sẽ là "hành động gây chiến có chủ ý" và "Triều Tiên có thể đáp trả bằng cách tấn công các lực lượng [Mỹ và Hàn Quốc]".

Nếu Mỹ đáp trả vụ bắn hạ bằng một cuộc tấn công hạn chế thì hành động này vừa không mang tính răn đe vừa không thể cản Triều Tiên trả đũa.

Nếu tấn công mà không xóa sổ được toàn bộ năng lực quân sự của Triều Tiên thì chắc chắn sẽ dẫn tới hành động trả đũa nhằm vào các lực lượng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, xóa sổ lực lượng quân sự của Bình Nhưỡng.

Còn nếu một cuộc tấn công như vậy được thực hiện thì quy mô của nó sẽ rất lớn - có khả năng viện tới cả vũ khí hạt nhân. Trung Quốc lẫn Nga đều có thể bị kéo vào cuộc. Mà kể cả 2 nước này đứng ngoài thì Mỹ cũng sẽ bị chỉ trích về chính trị và đạo đức.

Sau vài ngày cân nhắc thiệt hơn, Kissinger, các tham mưu trưởng và toàn bộ các cố vấn đều thấy rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan trước mắt.

Mỹ sợ gì mà không dám ném bom nguyên tử hủy diệt Triều Tiên 50 năm trước dù có cơ hội? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Nixon, cố vấn Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laird và Chủ tịch JSC Wheeler trong một cuộc họp năm 1969. Ảnh: Văn phòng Lịch sử Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngày 21/5, JSC đi đến một phương án "tầm trung". Đó là điều 3 máy bay ném bom B-52 được trang bi vũ khí thông thường tới phá hủy một hoặc hai sân bay của Triều Tiên.

Tướng Earle Wheeler, Chủ tịch JCS đã viết trong một bản bị vong lục gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ Melvin Laird rằng: Nếu cuộc tấn công này được thực hiện một cách "nhanh chóng" và "nhằm đáp trả một hành động thù địch", "nhiều cơ may chúng ta sẽ không gây hấn tới mức khiến Triều Tiên trả đũa và dẫn tới xung đột lớn".

Laird còn nhắn với Kissinger rằng kế hoạch này ông cho là "hợp lý hơn cả".

"Nhiều cơ may" không châm ngòi cho "một cuộc xung đột lớn": Đó là điều tốt đẹp nhất mà người ta nghĩ tới. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng, phương án này lại chưa đủ tốt.

Ngày 2/7, tại một cuộc họp ở Phòng tình huống của Nhà Trắng, Kissinger đã nói: "Cái khó nằm ở chỗ loại trừ khả năng giáng trả" của Triều Tiên.

Theo đó, ông cho rằng, nếu tấn công bằng B-52 là cần thiết thì "cái giá mà anh phải trả khi đem 3 máy bay đi tấn công cũng không lớn hơn với 25 chiếc là mấy". Đằng nào thì cuộc chiến và tổn thất đối với hai phía cũng đều leo thang.

Dù vậy, vì chiến tranh có thể sẽ nổ ra nên các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục tìm hướng giải quyết, cả cho những cuộc tấn công ban đầu, lẫn khi chiến tranh trở nên căng thẳng hơn. Cuối cùng họ vạch ra được 25 phương án, bao gồm 3 phương án hạt nhân - được gộp lại dưới mật danh "Rơi Tự do" (Freedom Drop).

Trong đó, một phương án đề xuất tấn công 12 mục tiêu quân sự bằng 12 vũ khí hạt nhân, từ đạn pháo hạt nhân (sức công phá tương đương khoảng 200 tấn thuốc nổ TNT) cho tới bom nguyên tử (sức công phá 10 kiloton).

Một phương án khác là ném loại bom có sức công phá 70 kiloton, mỗi quả nhằm vào một phạm vi rộng, nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc.

Phương án thứ ba là sử dụng những quả bom có sức công phá từ 10-70 kiloton để dập tắt khả năng phản kích của Triều Tiên. (Bom hạt nhân đã phá hủy Hiroshima vào cuối Thế chiến 2 có sức công phá 15 kiloton).

Cuối cùng, Nixon không chọn phương án nào cả.

Thực ra, ngay trong cuộc họp hôm 2/7, Kissinger đã nói: Nixon "sẽ không làm gì hết hoặc chọn một phương án cực đoan hơn cả trong rất nhiều khả năng".

Vậy là ông ta không làm gì, không sử dụng các loại vũ khí có thể khai hỏa.

Thay vào đó, ông ta điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực biển gần Triều Tiên. Nixon nối lại hoạt động của các máy bay trinh sát, lần này có thêm tiêm kích hộ tống. Ông ta cảnh cáo: Đừng có động vào Mỹ lần nữa! Ông ta đảm bảo với các đồng minh trong khu vực về sự cam kết của Mỹ.

Và cuộc khủng hoảng lắng xuống.

Câu chuyện của hiện tại

Đó là những lựa chọn khả dĩ vào thời điểm mà Triều Tiên chưa phát triển chương trình tên lửa, chưa đem pháo dàn trận dọc theo sườn núi. Nói cách khác, Triều Tiên năm 1969 dễ bị tổn thất trước một cuộc tấn công bất ngờ hơn hiện nay, nhưng Nixon, Kissinger và các tướng lĩnh vẫn không tìm ra một phương án quân sự thích hợp mà không dẫn tới một thảm họa kinh hoàng.

Trong những thập kỷ sau đó, đã có vài lần các chính quyền khác tìm cách trả lời câu hỏi: Làm thế nào để đối phó với Triều Tiên trong một cuộc khủng hoảng?

Tổng thống Bill Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng William Perry đã trải qua một tình huống tương tự năm 1994, khi một trực thăng Mỹ bị bắn hạ sau khi bay qua biên giới Triều Tiên.

Tổng thống George W. Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney và các tướng Mỹ cũng kinh qua chuyện này vào năm 2002 khi Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình hạt nhân của mình (sau 8 năm tạm ngừng theo thỏa thuận với chính quyền Clinton).

Mỹ sợ gì mà không dám ném bom nguyên tử hủy diệt Triều Tiên 50 năm trước dù có cơ hội? - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (trái) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney. Ảnh: AP

Ở thời điểm đó, Bush - người vẫn luôn nhắc đi nhắc lại câu nói "Ta không đàm phán với quỷ dữ, ta phải đánh bại nó" của Cheney, đã nối lại các cuộc đàm phán mặc dù lúc đó đã là quá muộn để đạt được những kết quả khả quan.

Nhiều khả năng Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và những tướng Mỹ ngày hôm nay cũng sẽ đứng trước một tình huống tương tự.

Ông Mattis từng khẳng định: Mỹ đã có "những phương án quân sự" để đối phó với Triều Tiên, nhưng ông không nói rằng mình có những phương án tốt.

Ngay cả những vụ giao tranh nhỏ nhất cũng có thể nhanh chóng vuột ra khỏi tầm kiểm soát. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, nếu chiến tranh nổ ra, số người thiệt mạng ở Hàn Quốc có thể lên tới 20.000 người/ngày, kể cả khi vũ khí hạt nhân không được sử dụng.

Mattis, Tillerson và cố vấn an ninh của Trump H.R. McMaster đã nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp ngoại giao, cũng như những biện pháp tương tự. Nhưng có vẻ như ông Trump đã quên mất những mối lo ngại này khi thẳng thừng tuyên bố sẽ phá hủy Triều Tiên và gọi ông Kim Jong-Un là "Người Tên lửa Nhỏ bé".

Washington Post còn đưa tin rằng, giới chức Triều Tiên đang vội vã điện cho các chuyên gia về châu Á ở Mỹ để hỏi xem ý định của ông Trump là gì và vì sao những phát ngôn của ông lại khác với quan điểm của các cố vấn đến vậy.

Nhưng không phải chỉ có người Triều Tiên mới bối rối. Những quan chức của chính ông Trump cũng không biết "sếp" của mình định làm gì.

L.A Times cho hay, trước khi ông Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các quan chức tình báo đã khuyên ông không nên chỉ trích cá nhân ông Kim, nếu không, cánh cửa ngoại giao sẽ bị đóng lại. Tờ này cũng tiết lộ, trong bản thảo cuối cùng mà cố vấn của Trump nhìn thấy không hề có các cụm từ như "hủy diệt hoàn toàn" hay "Người Tên lửa".

(Đó có thể là lý do tại sao khi ông Trump phát biểu tới đoạn đó, chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly lại ôm đầu).

Bài viết thể hiện quan điểm của Fred Kaplan, chuyên gia khoa học chính trị Mỹ đăng tải trên tạp chí Slate ngày 27/9/2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại