Mỹ sẽ đưa người trở lại Mặt trăng

Bình Giang |

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 26/3 nói rằng cần tăng tốc để đạt được mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng trong vòng 5 năm tới “bằng bất kỳ phương tiện nào cần thiết”, và quan chức hàng đầu NASA ngay lập tức tiếp nhận thách thức này.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Hội đồng vũ trụ quốc gia tại Trung tâm bay vũ trụ Marchall của NASA ở Huntsville, Alabama, ông Pence mượn lời nói từ thời Chiến tranh Lạnh: “Hôm nay chúng ta đang trong cuộc chạy đua vũ trụ, giống như chúng ta trong những năm 1960”.

Một mục tiêu tham vọng – có thể tiêu tốn hàng chục triệu đô la – được đặt ra trong bối cảnh NASA đang vất vả dựa vào hỗ trợ từ các đối tác tư nhân để khôi phục các sứ mệnh chinh phục vũ trụ của con người từ đất Mỹ, sau khi chương trình này phải kết thúc từ năm 2011.

Động lực vươn lên Mặt trăng phản ánh tham vọng của Tổng thống Donald Trump phải chiến thắng trong một mục tiêu lớn của quốc gia khi ông đang chuẩn bị vận động tái tranh cử, cũng như để đối phó với năng lực phát triển vũ khí vũ trụ tiềm năng của Nga và Trung Quốc.

NASA trước đó đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2028, sau khi đưa một trạm “cửa ngõ” lên quỹ đạo quanh Mặt trăng vào năm 2024.

Chương trình Apollo của NASA đã triển khai 6 chuyến chính phục Mặt trăng trong giai đoạn từ năm 1969 đến 1972.

Cho đến nay mới có 2 quốc gia khác thực hiện được những chuyến hạ cánh “mềm” xuống mặt trăng, đó là Liên Xô và Trung Quốc, nhưng đều sử dụng robot không người lái.

“Đã đến lúc phải có bước tiến vĩ đại tiếp theo”, Phó Tổng thống Pence kêu gọi bằng câu nói nối tiếng của phi hành gia Neil Armstrong khi trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969.

“Bước tiến vĩ đại tiếp theo là đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt trăng trong vòng 5 năm tới bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào, và thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng và chuẩn bị đưa các phi hành gia Mỹ lên sao Hỏa”, ông Pence nói.

Để làm được điều đó, Phó Tổng thống Mỹ nói rằng NASA phải cải tổ để tinh gọn hơn, có trách nhiệm giải trình lớn hơn và nhanh nhạy hơn.

Đáp lại, ông Jim Bridenstine, Quản trị viên NASA, viết trên Twitter: “Thách thức được chấp nhận. Giờ bắt tay vào làm việc thôi”.

Khi điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ cách đây 2 tuần, ông Bridenstine nói rằng NASA còn 2 năm nữa là hoàn thành mục tiêu phóng SLS, gồm một tên lửa lớn và cáp-xun có thể chở hàng hóa và phi hành đoàn lên quỹ đạo Trái đất. Boeing là nhà thầu chính để chế tạo động cơ tên lửa SLS.

Ông Bridenstine nói rằng NASA đang cân nhắc sử dụng tên lửa thương mại yếu hơn, có thể là tên lửa của hãng SpaceX hay của đối tác Boeing-Lockheed Martin để đưa một cáp-xun lên vũ trụ vào năm 2020. Sau thông báo hôm 26/3, ông Bridenstine nói rằng ông chắc chắn NASA có thể thực hiện một chuyến bay cho SLS thành công trong năm sau.

NASA đã đặt mục tiêu chinh phục cực nam của Mặt trăng, khu vực được cho là có trữ lượng nước băng có thể phục hồi để sử dụng cho việc tổng hợp nhiên liệu tên lửa.

NASA cũng coi Mặt trăng là một trạm nghỉ trên con đường đưa người lên sao Hỏa. Ông Bridenstine nói rằng mục tiêu này có thể trở thành hiện thực vào giữa những năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại