Thăng trầm của TikTok ở Mỹ - Dữ liệu: NHẬT ĐĂNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Dự luật này cần thêm sự phê chuẩn của Hạ viện Mỹ, trước lúc trình lên Tổng thống Joe Biden.
"Phán quyết" dành cho việc dùng TikTok của viên chức Mỹ dự kiến được đưa ra trong tuần sau.
Nhiều vấn đề với TikTok
Chính quyền Mỹ đang gia tăng sức ép lên TikTok nhưng sẽ rất khó cấm hẳn ứng dụng công nghệ Trung Quốc này khỏi thị trường Mỹ.
Sự lấn cấn này cũng được phản ánh phần nào qua phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 15-12, khi bà cho biết vẫn chưa quyết định liệu Hạ viện Mỹ có hưởng ứng dự luật cấm công chức liên bang Mỹ sử dụng TikTok hay không.
"Chúng tôi đang kiểm tra cùng chính quyền. Ở đây là về mặt ngôn ngữ thôi, chứ không phải chúng tôi phản đối ý tưởng trên.
Tôi không biết trong chương trình nghị sự sẽ có gì trong tuần sau, nhưng đây là điều rất, rất quan trọng", bà Pelosi tiết lộ.
Các chính trị gia Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng TikTok và các công ty khác của Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh sử dụng như một công cụ gián điệp nhắm vào người Mỹ.
ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bị cáo buộc có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc.
Mới ra đời năm 2017 nhưng TikTok sớm trở thành một hiện tượng với hơn 1 tỉ người dùng (tính tới tháng 9-2021).
Khởi đầu là một mạng xã hội chủ yếu nổi bật với tính năng chia sẻ video ca nhạc, TikTok trở thành nguồn cung cấp thông tin, cộng đồng và thậm chí là một công cụ tìm kiếm. Theo thời gian, ứng dụng này còn trở thành nơi để phát ca nhạc trực tiếp, thực tế ảo và mua sắm.
Mối quan tâm đầu tiên của giới chức Mỹ với TikTok là cách thức ứng dụng này thu thập thông tin của người dùng (sở thích, vị trí...) và liệu TikTok có gửi thông tin này về cho chính quyền Trung Quốc hay không.
Vấn đề thứ hai nằm ở lo ngại của chính trường Mỹ về việc TikTok lan tỏa thông tin sai lệch cũng như che giấu thông tin gây bất lợi cho Trung Quốc.
Vấn đề thứ ba là nỗi sợ về việc Trung Quốc có thể dùng dữ liệu của TikTok để đẩy mạnh phát triển sáng kiến trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây là lo ngại rất trùng khớp với việc Mỹ đang xem công nghệ là "chiến trường" khốc liệt trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Khó cấm hẳn ở Mỹ
Tách biệt với dự luật của Thượng viện Mỹ vừa thông qua, hôm 13-12 một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã giới thiệu một dự luật khác nhằm cấm hẳn TikTok.
Hiện nay lệnh cấm công chức dùng TikTok trong các dịch vụ công không hiếm tại Mỹ, khi hàng loạt tiểu bang đã áp dụng luật này. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cấm hẳn TikTok trên thị trường Mỹ, đây sẽ là viễn cảnh hơi khó xảy ra ít nhất ở thời điểm hiện tại.
TikTok khẳng định những mối lo ngại của chính quyền Mỹ, ví dụ "an ninh quốc gia", phần lớn xuất phát từ thông tin sai lệch và họ sẵn sàng gặp gỡ các nghị sĩ để thảo luận về hoạt động của công ty.
Thực tế TikTok đã và đang mong muốn đạt được một thỏa thuận giải quyết mối quan tâm của chính giới Mỹ và trước mắt là các cuộc làm việc trực tiếp với Ủy ban về Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS).
Với lo ngại về việc Chính phủ Trung Quốc dùng dữ liệu từ TikTok, hiện nay TikTok đang tham gia một nỗ lực gọi là "Dự án Texas" nhằm lưu dữ liệu lại Mỹ (để không "chảy" về Trung Quốc) nhằm giải quyết lo ngại của CFIUS.
Điều này sẽ khiến dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu ở các máy chủ do Công ty Oracle (Mỹ) vận hành và kiểm soát truy cập.
Năm 2020, tổng thống Donald Trump từng ký sắc lệnh đe dọa tới số phận của TikTok tại thị trường Mỹ nhưng sau đó người kế nhiệm Biden đã đảo ngược sắc lệnh trên.
Ông Biden gần đây ra sắc lệnh mở rộng định nghĩa của "an ninh quốc gia" để các cơ quan như CFIUS đánh giá dữ liệu và công nghệ nhằm "bảo vệ sự dẫn đầu của Mỹ về công nghệ".
Kênh CNBC dẫn lời các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) nói lệnh cấm toàn diện lên TikTok có khả năng xảy ra nhưng không phải kịch bản khả thi nhất.
Thay vào đó, giống như mong muốn của ông Trump năm 2020, Bank of America nhận định việc ByteDance bán lại TikTok cho một công ty công nghệ hoặc truyền thông Mỹ sẽ dễ xảy ra hơn.
* Ông Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS):
Không phải chuyện mới
Việc một quốc gia cấm công chức nhà nước sử dụng một dịch vụ, phần mềm của một nước khác không phải là chuyện mới.
Năm 2017, Mỹ đã cấm các cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm diệt virus của Nga. Tương tự, Trung Quốc cũng có một số quy định cấm với các phần mềm và dịch vụ của Mỹ.
Một hãng sản xuất phần mềm hay cung cấp dịch vụ thu thập thông tin người dùng cũng là việc bình thường, miễn họ thông báo dùng các dữ liệu đó vào việc gì và đảm bảo an ninh thông tin thế nào.
Tuy nhiên, đứng trên phương diện bảo vệ chủ quyền không gian mạng, các nhà lập pháp hoàn toàn có lý do để đưa ra các lệnh cấm như vậy.
* Ông Ngô Tuấn Anh (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty an ninh mạng SCS):
Cạnh tranh Mỹ - Trung
Các mạng xã hội như Facebook, TikTok kiếm tiền từ quảng cáo. Và để quảng cáo có hiệu quả thì phải "hướng đối tượng", nghĩa là biết người dùng đang quan tâm gì.
Tuy không thừa nhận nhưng có nhiều cáo buộc và bằng chứng cho thấy các mạng xã hội "âm thầm" theo dõi người dùng.
Khi một ứng dụng, mạng xã hội có số lượng người dùng lớn, nó sẽ trở thành một Big Tech, và đương nhiên quốc gia nào cũng muốn sử dụng Big Tech của nước mình cho những lợi ích quốc gia.
Do đó, theo tôi, câu chuyện này nằm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trong đó các quốc gia đều muốn kìm hãm sự phát triển của bên kia và cố gắng thúc đẩy các Big Tech của quốc gia mình.
ĐỨC THIỆN ghi