Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tuần này cho biết: “Công ty Lockheed Martin Missiles và Fire Control, một doanh nghiệp của Lockheed Martin Corp được Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ trao hợp đồng trị giá 77,4 triệu USD để cung cấp 54 tên lửa tấn công chính xác. Lockheed Martin dự kiến sẽ hoàn thành các công việc theo hợp đồng vào ngày 30/9/ 2025.
Mỹ đã thực hiện 3 cuộc thử nghiệm thành công tên lửa PrSM vào năm 2020. Trong các lần thử nghiệm, tên lửa được phóng bằng bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS sẵn có do Lockheed sản xuất. Video do Lockheed Martin công bố cho thấy không có nhiều thay đổi trong quá trình huấn luyện đơn vị vận hành, hay lắp đặt và phóng tên lửa mới vào bệ phóng HIMARS. Ngoài ra, PrSM cũng tương thích với bệ phóng tên lửa phóng loạt (MLRS) và phương tiện bánh xích mang các bệ phóng của HIMARS hoặc ATACMS.
Phiên bản nâng cấp của ATACMS?
Video của Lockheed Martin cho thấy thiết kế của PrSM trông giống tên lửa chiến thuật ATACMS hiện có. Về cơ bản, PrSM là sự kết hợp giữa đạn tên lửa mới và khung gầm xe chuyên chở cũ. Nó vẫn sử dụng khung gầm pháo phản lực M270, M142.
PrSM dùng nhiên liệu rắn, cơ cấu cánh lái có thể gấp gọn được và kích thước tổng thể tương đương ATACMS để phù hợp với phương tiện chuyên chở cũ. Điểm khác biệt của PrSM chính là các tầng đẩy bổ sung có thể được thêm vào thân để tăng tầm bắn mà không làm thay đổi kích thước tên lửa.
Tên lửa chiến thuật có tầm bắn tối đa 300 km, trong khi tên lửa tấn công chính xác thuộc PrSM có tầm bắn 500 km và dự kiến sẽ đạt tới 1.000 km một khi được nâng cấp. Một số nhà phân tích cho rằng, đây có thể là vũ khí đối trọng với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga. PrSM có khả năng mang theo đầu đạn đơn nặng 227kg hoặc đầu đạn chùm tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
PrSM thực hiện vai trò tương tự như ATACMS là phá hủy các mục tiêu chiến thuật trên chiến trường như nơi tập kết quân, hệ thống phòng không, trung tâm kiểm soát và chỉ huy. Ưu điểm lớn nhất của là tầm hoạt động. Một thành viên trong quân đội Mỹ cho biết, PrSM đã chứng tỏ khả năng bay xa hơn phạm vi 400 km.
Việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga năm 2019 đã cho phép Washington theo đuổi kế hoạch phát triển tên lửa PrSM. Tướng John Rafferty của Quân đội Mỹ cho biết: “Hiệp ước INF đã hạn chế khả năng phát triển tên lửa của Nga và Mỹ nhưng hiện giờ chúng tôi đang có những tên lửa có tầm bắn lớn hơn giới hạn 500km. Hiệp ước INF cấm Mỹ và Nga phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Hiệp ước này từng đóng vai trò quan trọng giúp chấm dứt nghi kị giữa hai cường quốc quân sự thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Tên lửa PrSM được cho là có giá thành rẻ hơn ATACMS. Bên cạnh đó, nó còn có cấu trúc theo kiểu mô-đun, cho phép nhanh chóng thay thế hoặc sửa đối các hệ thống bên trọng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, hoặc chỉ đơn giản là nâng cấp và bảo dưỡng định kỳ. Các cuộc thử nghiệm trước đây nhằm kiểm tra khả năng tên lửa rời bệ phóng, bay tới mục tiêu và kích nổ đầu đạn.
Mỹ sẽ cung cấp tên lửa PrSM cho Ukraine?
Hiện cuộc chiến tại Ukraine đang bước sang giai đoạn mới. Ban đầu, Nga gần như giành quyền kiểm soát toàn bộ miền Đông và miền Nam Ukraine, nhưng hiện giờ Ukraine đang đẩy mạnh cuộc phản công nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất. Sau một số bước lùi trên chiến trường, Tổng thống Putin đã ban bố sắc lệnh động viên một phần và ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga tại Ukraine.
Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga tại các vùng Zaporizhzhia, Kherson, Lugansk và Donetsk cho thấy tỷ lệ lựa chọn sáp nhập lần lượt là 93,11%; 87,05%; 98,42% và 99,23%. Một số nhà phân tích cho rằng sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, Tổng thống Putin sẽ nhanh chóng sáp nhập các khu vực này vào Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine và các nước phương Tây.
Theo giới phân tích việc liệu Mỹ có cung cấp tên lửa PrSM cho Ukraine sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thực địa trong thời gian tới. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác bỏ yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine do lo ngại Kiev có thể sử dụng tên lửa tầm xa này để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, khiến chiến sự leo thang và đẩy Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, điều mà Washington luôn muốn tránh.
Nga dường như cũng nhận thức rõ cái phải trả trong một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ và NATO, chính vì thế Moscow nhiều lần nhấn mạnh họ không muốn kịch bản này xảy ra. Nga từng đe dọa nhắm mục tiêu vào các trung tâm ra quyết định trang bị vũ khí cho Ukraine song đến nay nước này vẫn chưa thực hiện bất cứ động thái nào./.