Mỹ rút khỏi Syria: Bị bỏ rơi, người Kurd hoảng loạn, thấy "ngày tận thế" ngay trước mắt

Tất Đạt |

Sau tuyên bố của ông Trump, cộng đồng người Kurd đã mất đi lợi thế lớn trong quá trình đàm phán với chính phủ Syria.

Nỗi lo sợ quay trở lại

Quyết định đột ngột của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân đội và viện trợ nhân đạo của Mỹ rời khỏi vùng đông bắc Syria đã khiến cộng đồng người Kurd "choáng váng" và thất vọng. Nhưng họ không phải là những người duy nhất ngạc nhiên vì quyết định này.

Một thành viên cấp cao trong Đảng Liên minh Dân chủ Kurd (PYD) đã trả lời phỏng vấn của tờ Haaretz từ nhà riêng tại Qamishli, gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết quyết định của ông Trump đã khiến tất cả mọi người bất ngờ, bao gồm cả sĩ quan quân đội Mỹ.

Đề nghị giấu tên, người này chia sẻ: "Lực lượng quân đội Mỹ có mối quan hệ tốt đẹp với các chiến binh người Kurd. Tới thời điểm này, chúng tôi đã đứng chung [trên chiến tuyến] chống lại nạn khủng bố IS. Tôi không biết bao giờ việc rút quân sẽ được thực hiện. Chỉ mới hai ngày trước, viện trợ quốc tế chống IS vẫn còn được gửi tới đây."

Theo Haaretz, các nhà hoạt động và phóng viên tại vùng đông bắc Syria xác nhận có nhiều đoàn xe chở theo vũ khí từ Iraq đã tiến vào khu vực.

Mỹ rút khỏi Syria: Bị bỏ rơi, người Kurd hoảng loạn, thấy ngày tận thế ngay trước mắt - Ảnh 1.

Quyết định vừa qua của ông Trump đã giáng một "đòn đau" tới PYD, khiến đảng này không còn "quân át chủ bài" nào để đàm phán với chính quyền Assad. Ảnh: Safvan Allahverdi

Quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria đã được đưa ra sau khi ông Trump và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp mặt. Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn phản đối gay gắt hỗ trợ của Mỹ đối với các tay súng của PYD - một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), hoạt động mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980.

Hồi tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng nghìn lính thuộc quân đội nước này tới vùng biên giới với Syria.

Ankara nhiều lần đe dọa sẽ tổ chức cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ người Kurd ở vùng miền bắc Syria để đảm bảo an ninh quốc gia cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông Trump, người dân Kurd tại đông bắc Syria đã bày tỏ nỗi sợ hãi với hai viễn cảnh "tồi tệ như nhau" ở trước mắt: hoặc là bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, hoặc là bị chính quyền của tổng thống Syria Bashar Assad "tiếp quản".

Phóng viên người Kurd Akid - hiện sống tại thị trấn Al-Hasakah - mô tả tình cảnh và cảm nhận của người Kurd khi bị mắc kẹt giữa hai thế lực lớn.

"Cả hai đều chẳng khác gì nhau. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ gặp nguy hiểm. Mọi người đều lo sợ tột độ. Chúng tôi đã mất đi sự an toàn và sắp phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp."

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ

Mối lo ngại đối với nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công xuất phát từ tình hình thực tế tại vùng Afrin ở tây bắc Syria - nơi đã bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lại với sự trợ giúp của phe nổi dậy người Syria vào tháng 3 năm nay. Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, vùng đất của người Kurd - từng thuộc quyền kiểm soát của các tay súng PYD - đã có sự thay đổi chóng mặt.

Những người Syria vô gia cư do chiến tranh hoặc sống tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập đã chuyển tới sống trong những căn nhà của người Kurd tại Afrin. Ngoài sự chuyển biến trong nhân khẩu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria đã chiếm tài sản và bắt giữ bất kì người nào bị nghi có ý định phản đối "chủ nhân" mới của vùng lãnh thổ.

Sự trở lại của chính quyền ông Assad cũng được cho là mối lo ngại lớn với cư dân Kurd. Trước cuộc nội chiến, người Kurd phải đương đầu với nhiều vấn đề tại vùng biên giới.

Mỹ rút khỏi Syria: Bị bỏ rơi, người Kurd hoảng loạn, thấy ngày tận thế ngay trước mắt - Ảnh 3.

Quân đội Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tại Hasakah, Syria. Ảnh Reuters

Mô tả lại cuộc sống trước thời kì nội chiến, một phóng viên giấu tên sống tại thị trấn Amuda nói: "Chúng tôi không có quyền công dân người Kurd, không được nói ngôn ngữ của người Kurd".

Năm 2012, sau khi phe nổi dậy Syria chiếm được Aleppo, chính quyền ông Assad quyết định thu hồi lực lượng tại các khu vực của người Kurd và chuyển quyền điều hành cho các tay súng của PYD nhằm khắc phục vấn đề thiếu nhân lực trong quân đội Syria. Chính quyền Damascus và PYD vẫn duy trì "hòa bình trong căng thẳng" suốt thời gian chiến tranh.

Tháng 7/2018, khi chính quyền ông Trump ngày càng bộc lộ rõ ý định muốn rút lui khỏi Syria, PYD đã cố gắng thương lượng với ông Assad để giành được một phần quyền điều hành lãnh thổ. Tuy nhiên, các thỏa thuận đều thất bại bởi Damascus muốn khôi phục Syria về trước thời chiến tranh, và từ chối cho phép người Kurd giành được quyền tự trị.

Phóng viên tại Amuda tin rằng PYD sẽ đàm phán với chính quyền ông Assad "để ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bằng bất kì giá nào, kể cả phải hi sinh tham vọng có lãnh thổ tự trị của người Kurd".

Dấu chấm hết với lãnh thổ tự trị

Dù Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh có tấn công lãnh thổ do người Kurd kiểm soát hay chính quyền ông Assad quyết định thu hồi lại lãnh thổ, thì quyền tự trị của người Kurd tại Syria đều kết thúc. Lần đầu tiên trong hàng thập kỉ, cuộc nội chiến đã vô tình tạo cơ hội cho người Kurd được học ngôn ngữ của riêng mình, được sử dụng ngôn ngữ này công khai và ăn mừng ngày lễ của người Kurd.

Quyết định vừa qua của ông Trump đã giáng một "đòn đau" tới PYD, khiến đảng này không còn "quân át chủ bài" nào để đàm phán với chính quyền Assad.

Một sinh viên tại Hasakah nói: "Người Kurd bị bỏ rơi và không nhận được sự hỗ trợ nào. Tôi cũng không nghĩ chính quyền Syria sẽ đồng ý với bất kì đề xuất nào của người Kurd. Thậm chí khi người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, ông Assad còn không đồng ý."

Một nhà hoạt động nhân đạo tại Derik cũng tin rằng chính quyền Damascus sẽ không cho người Kurd bất kì quyền lợi nào.

Một thợ điện tại thị trấn Kobani - nơi đã gần như trở thành đống đổ nát trong trận chiến ác liệt chống IS vào năm 2014 - nói quan điểm của những người dân sống tại đây: "Mong Chúa sẽ phù hộ, mong người Mỹ sẽ không làm người Kurd thất vọng và không rời khỏi đây."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại