Dưới đây là bài bình luận của Christan Whiton - một cố vấn cấp cao của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu tổng thống George W. Bush. Ông Whiton cũng là nhà nghiên cứu chiến lược và ngoại giao tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia và là tác giả quyển sách "Smart Power: Between Diplomacy and War” (tạm dịch: Sức mạnh trí tuệ: Giữa Ngoại giao và Chiến tranh").
Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ
Quyết định của tổng thống Trump vào ngày 19/12 về việc rút 2.000 lính Mỹ khỏi Syria cần được nhìn nhận và tôn vinh với đúng ý nghĩa của nó: một chiến thắng vinh quang trước nhóm khủng bố IS.
Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã cam kết rõ ràng sẽ hủy diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, ông Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc triển khai kế hoạch "tiêu diệt và triệt hạ" nhóm khủng bố. Sau đó, Mỹ và đồng minh đã thực hiện được việc này.
Quân đội Mỹ đã xóa sổ lực lượng khủng bố xuất hiện từ giữa "hố đen" của cuộc nội chiến Syria. IS đã trở nên lớn mạnh tới độ từng đe dọa vùng ngoại ô của Baghdad, Iraq.
Quyết định đưa tướng về hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Mattis đã giải phóng những lính Mỹ "bị trói một tay sau lưng khi chiến đấu", và đóng góp không nhỏ vào những thắng lợi trên chiến trường mà không cần tới lực lượng quân sự áp đảo.
Tất nhiên, tàn quân của IS vẫn sẽ tồn tại. Hãy nhớ rằng sau khi Thế Chiến 2 kết thúc được một thời gian dài, lính Nhật Bản vẫn xuất hiện từ các cánh rừng để đầu hàng. Nhưng đừng quên IS là một tổ chức quân sự có hệ thống tại Syria và Iraq.
Đoạn video nói về quyết định rút lính Mỹ khỏi chiến trường Syria của ông Trump.
Bây giờ chính là thời điểm đưa quân đội của Mỹ trở về nước. Tổng thống Trump đã viết rất đúng trên Twitter rằng: "Chúng ta đã tiêu diệt được IS ở Syria, đó là lí do duy nhất cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây trong nhiệm kì Trump."
Tất nhiên, những "diều hâu" của Mỹ sẽ không hài lòng. Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham chỉ trích: "Việc Mỹ rút lui khỏi Syria sẽ là một sai lầm khổng lồ giống kiểu ông Obama."
Tướng Joseph Dunford - cố vấn quân sự cấp cao của ông Trump, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ - đã bày tỏ quan điểm của mình hồi đầu tháng: "Để đảm bảo được sự ổn định, chúng ta còn một chặng đường dài phải đi". Sau đó, ông Dunford cho rằng chỉ có khoảng 20% các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria được huấn luyện đầy đủ.
Tuy nhiên, "ổn định" chưa bao giờ là mục tiêu của ông Trump, và sẽ không bao giờ như vậy. Syria tiếp tục bị mắc kẹt trong nội chiến, và quân đội chính phủ dưới quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang giành lại được những thắng lợi nhất định.
Ảnh: REUTERS / Rodi Said
Ông Trump "lùi mà tiến"
Thật đáng tiếc khi ông Assad tiếp tục hợp tác cùng Iran và Nga. Chắc chắn là, tổng thống Trump đã đúng khi tấn công Syria bằng hai loạt tên lửa sau khi chính quyền này sử dụng vũ khí hóa học lên dân thường.
Dù sao đi chăng nữa, việc thay thế ông Assad sẽ cần tới một cuộc chiến "giống kiểu Iraq" và khắc sâu thêm nỗi đau vào một người đã trải qua nỗi đau kéo dài 8 năm của cuộc mâu thuẫn đẫm máu. Thêm vào đó, các lực lượng chống đối Assad đã tỏ ra bất lực trong việc giành được chiến thắng quân sự và một số còn tệ hơn cả ông Assad, trong đó có các nhánh của Al-Qaeda.
Cựu tổng thống Obama đã từng nói: "Ông Assad phải ra đi", nhưng đó không phải là lựa chọn nên làm. Và ông Assad cũng chứng tỏ sự khôn khéo và kiên cường của mình.
Hiện tại, Mỹ phải có cách đối phó khác với ông Assad, phải sử dụng chiến lược ngoại giao để giảm thiểu thiệt hại từ hành vi của tổng thống Syria.
Mỹ sẽ tấn công trở lại nếu Assad bước qua lằn ranh đỏ bằng cách sử dụng vũ khí hóa học hoặc đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông thông qua quân sự hoặc chính trị.
Nhưng Mỹ cũng cần phải tạo ra một con đường tái thiết cho Syria mà không thông qua Moskva hay Tehran.
Đối với tổng thống Trump, ông ấy đã thêm một chương mới trong lịch sử Mỹ với giải pháp hữu hiệu cho những cuộc chiến không có hồi kết, như đã chứng kiến tại Afghanistan và Iraq.
Ông Trump hiểu rằng khi Mỹ triển khai lực lượng quân sự, Mỹ cần phải hoàn thành một mục tiêu rõ ràng bằng lực lượng áp đảo rồi sau đó rút lui.
Có thể, thành tựu quan trọng nhất trong việc rút lui khỏi Syria sẽ được ít người biết tới. Bằng cách dần dần rút lui khỏi các khu vực trải dài từ Afghanistan tới Libya, ông Trump có thể tập trung sức mạnh quân sự đối với "mối đe dọa chính yếu" của Mỹ: Trung Quốc.
Trong khi những cơ quan an ninh quốc gia tại Washington mong muốn đối đầu trực diện với các đối thủ quen thuộc tại Trung Đông và Nga, thì ông Trump - cũng như công chúng Mỹ - đều hiểu rằng thử thách lớn nhất nằm ở phía bên kia Thái Bình Dương.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn