Đây được xem là động thái bất ngờ có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của Chủ tịch Trung Quốc với Tổng thống Mỹ Donald Trump , người đã hai lần gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un. Bên cạnh đó, động thái ngoại giao hạt nhân của ông Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể trở thành một dự án chính sách đối ngoại nổi bật của Chủ tịch Trung Quốc.
Ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc 4 lần trong 15 tháng qua để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng ông Tập Cận Bình, 66 tuổi, một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc công du nước ngoài nhiều nhất, trước đó khá chần chừ trong việc có chuyến thăm đáp lại, theo New York Times.
Bằng cách tới Bình Nhưỡng lần này, ông Tập Cận Bình chứng tỏ nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều, trong bối cảnh các cuộc đối thoại hạt nhân bị trì hoãn kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.
Một số nhà phân tích hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng hồi sinh những cuộc đàm phán này trong chuyến thăm hai ngày đến Triều Tiên vào 20-21/6. Sau đó, ông có thể đưa ra kế hoạch cho giai đoạn đàm phán hạt nhân tiếp theo khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Osaka, Nhật Bản, bên lề cuộc họp thượng đỉnh G 20.
"Món quà" hay "điều kiện thương lượng" với Tổng thống Mỹ?
Đó sẽ là "món quà tuyệt đẹp" cho ông Trump, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và các hành động của Mỹ đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang gia tăng - Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định. Theo chuyên gia này, cuộc gặp cũng sẽ giúp làm giảm bớt sự quan tâm với các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong, vấn đề mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông Trump sẽ đề cập với Chủ tịch Tập Cận Bình khi họ gặp nhau.
Tuy nhiên, động thái của ông Tập Cận Bình cũng có nguy cơ khiến ông Trump phải "đứng ngoài" trong hoạt động ngoại giao mà Tổng thống Mỹ coi là một trong những di sản tiềm năng lớn nhất của mình. Điều đó cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng tự mình "tấn công" khi mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ tiếp tục trở nên khó khăn.
Evan S. Medeiros, cố vấn Trung Quốc của cựu Tổng thống Barack Obama, nói: "Người Trung Quốc đã trì hoãn chuyến đi tới Triều Tiên nhiều tháng, vì thế đây là một tín hiệu mạnh mẽ về định hướng địa chính trị của Trung Quốc. Nó báo hiệu rằng Trung Quốc về cơ bản đã từ bỏ việc có mối quan hệ ổn định, cùng có lợi với ông Trump".
Hơn nữa, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ở Osaka vẫn chưa được phía Bắc Kinh khẳng định. Trong khi các quan chức Mỹ mong đợi hai người ngồi xuống thảo luận, truyền thông Trung Quốc vẫn đề cập đến cuộc gặp dưới dạng giả thuyết. Gần đây, ông Trump nói rằng việc ông có gặp ông Tập hay không, "không quan trọng", vì ông sẽ đi trước và áp thuế đối với số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hơn 325 tỷ USD nếu hai bên không thể đi đến một thỏa thuận thương mại.
Cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện không muốn để căng thẳng giữa hai quốc gia trở thành căng thẳng cá nhân. Gần đây, ông Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Mỹ là "một người bạn", trong khi ông Trump thường xuyên khẳng định tình bạn của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù lưu ý rằng hai người có mối quan tâm rất khác nhau.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, tác động tích lũy của thuế quan Mỹ, và đặc biệt là chiến dịch siết chặt với Huawei, khiến mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng đến mức bất kể mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo thân thiết đến mức nào cũng khó "bù đắp" được. Những người theo chủ trương cứng rắn ở Bắc Kinh và Washington đều đang trong giai đoạn hăng hái, làm giảm cơ hội có được sự đột phá ở cấp lãnh đạo.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Vanity Fair)
Khẳng định vai trò của Trung Quốc
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Triều Tiên trong 14 năm. Sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân thành công, Trung Quốc đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên sự xuất hiện đột ngột của ông Tập ở Triều Tiên không nhất thiết có nghĩa là đã có sự cải thiện trong mối quan hệ giữa hai người láng giềng này, Evans J.R. Revere, một thành viên tại Viện Brookings nói. "Tôi chắc chắn rằng Bắc Kinh đã yêu cầu ở Bình Nhưỡng một cái giá nào đó cho chuyến thăm - như không có hành động khiêu khích kiểu thử tên lửa", ông Revere nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia nhận định, việc ông Tập Cận Bình đến Triều Tiên có thể là một cách khẳng định hiệu quả ý định của Triều Tiên với Tổng thống Trump, dù bỏ qua khả năng Chủ tịch Trung Quốc đóng vai trò trung gian để các cuộc đàm phán Mỹ - Triều bắt đầu lại. "Người Triều Tiên không cần người Trung Quốc gửi thông điệp cho ông Trump về các cuộc đàm phán có thể xảy ra. Họ có một kênh trực tiếp", Revere nói.
Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng nhất của Triều Tiên - với ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Trung Quốc nói chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ đưa động lực mới vào mối quan hệ với Triều Tiên, 70 năm sau khi hai bên bắt đầu quan hệ ngoại giao.
Các nhà phân tích cho rằng, khẳng định vai trò với Triều Tiên sẽ là một lời nhắc nhở kịp thời với Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều đó thậm chí có thể mang lại cho ông Tập Cận Bình một số thiện chí trong các cuộc đàm phán thương mại, điều mà ông Trump không ngần ngại đưa ra trong quá khứ để kết nối với Triều Tiên.