Vào lúc 17 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 30-11, Nga tiến hành vụ phóng tên lửa theo kế hoạch tại trạm không gian Plesetsk Cosmodrome ở phía Tây nước này. Moscow tuyên bố mục đích của vụ phóng này là đưa 4 vật thể lên quỹ đạo, bao gồm tầng trên của tên lửa cùng với 3 vệ tinh liên lạc Kosmos-2530, Kosmos-2531 và Kosmos-2532.
Từ giai đoạn đầu đến giai đoạn tên lửa bay lên trời, mọi chuyện xảy ra đúng với dự đoán của CSpOC. Tuy nhiên, khi tên lửa bay vào quỹ đạo gần 2 giờ sau đó, quân đội Mỹ nhận ra điều "bất thường": Có tổng cộng 5 vật thể chứ không phải 4 như phía Nga tuyên bố ban đầu.
Điều này, theo Newsrep, có nghĩa là tầng trên của tên lửa đã bị vỡ thành 2 mảng lớn… hoặc Nga đã bí mật đưa vật thể thứ 5 lên quỹ đạo. CSpOC không loại trừ vật thể thứ 5 này là một vệ tinh bí mật.
Trước đây, Nga từng nhiều lần bị cáo buộc phóng vệ tinh "được vũ khí hóa" lên quỹ đạo. Chúng thường được gọi là "những vệ tinh giám sát".
Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cáo buộc Nga phóng một vệ tinh đặc biệt lên quỹ đạo để lén thu thập dữ liệu từ vệ tinh liên lạc chung của quân đội Pháp và Ý.
Theo Newsrep, Nga bị nghi ngờ sở hữu nhiều vệ tinh "giám sát" trên quỹ đạo – phần lớn được đưa lên theo những vụ phóng tương tự hôm 30-11.
Trước đó, trong một vụ phóng tương tự vào tháng 5-2014, Moscow tuyên bố mục tiêu là đưa 3 vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng đã phát hiện ra 5 vật thể. Vật thể "lạ" thứ 5 cuối cùng được xác định là Kosmos-2499 – một vệ tinh "giám sát" bị nghi ngờ có khả năng tác chiến.
Nếu vụ phóng mới đây tương tự vụ phóng hồi tháng 5-2014, Nga sẽ sở hữu tổng cộng ít nhất là 5 vệ tinh "giám sát" được vũ khí hóa.
Trong giai đoạn 2014-2015, Moscow phóng 3 vệ tinh giám sát lên quỹ đạo, được đặt tên là Kosmos-2491, Kosmos-2499 và Kosmos-2504. Đến tháng 6-2017, Moscow tiếp tục phóng vệ tinh giám sát thứ tư lên quỹ đạo, được gọi là Kosmos-2519, theo The Drive.