Vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson. (Ảnh: AP)
Nguyên nhân là do sự cố nhiễm bẩn tại nhà máy sản xuất vaccine ở Baltimore. Nhà máy sản xuất vaccine này đã bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đóng cửa từ hồi tháng 4 sau các báo cáo về sự cố nhiễm bẩn. Theo đó, các nhân viên đã xử lý bất cẩn những nguyên liệu vaccine cùng tình trạng mất vệ sinh tại nhà máy.
FDA cho biết sẽ chỉ cho phép phân phối 10 triệu liều vaccine Johnson & Johnson do nhà máy trên sản xuất. Tuy nhiên, FDA cho biết, cơ quan này không thể đảm bảo rằng vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson được sản xuất theo đúng quy trình an toàn. FDA hiện vẫn chưa quyết định có mở cửa trở lại nhà máy hiện do công ty Emergent BioSolutions vận hành này hay không.
Những sai sót trong khâu sản xuất đang cản trở nỗ lực của Johnson & Johnson trở thành một trong những nhà sản xuất chính vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là cho người dân tại các nước nghèo. Ưu điểm của vaccine này là chỉ tiêm duy nhất 1 liều, có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường và giá thành rẻ hơn các loại vaccine khác.
Việc phải vứt bỏ 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào thời điểm này là bước lùi mới nhất đối với Emergent BioSolutions, vốn đã được giám sát chặt chẽ trong nhiều tháng sau khi xảy ra sự cố nhiễm bẩn chéo trong một thành phần của vaccine AstraZeneca với một thành phần của vaccine Johnson & Johnson. Những sự chậm trễ sau đó khiến hàng triệu liều vaccine Johnson & Johnson tại đây đã không thể được chuyển tới các cơ sở tiêm chủng.
Trong khi đó, các bệnh viện, sở y tế của bang và chính quyền liên bang Mỹ cũng đang phải gấp rút tính xem nên làm gì với hàng triệu liều vaccine Johnson & Johnson hết hạn trong tháng 6 này.
Mỹ mới sử dụng hết khoảng hơn một nửa trong tổng số 21,4 triệu liều vaccine Johnson & Johnson được phép lưu hành. (Ảnh: AP)
Tờ The Wall Street Journal cho biết, viễn cảnh số vaccine này phải tiêu hủy trong khi các nước đang phát triển lại không có vaccine để tiêm chủng khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gánh thêm nhiều sức ép phải chia sẻ ngay số vaccine này cho các nước càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, làm thế nào để có thể chuyển cho các nước số vaccine này một cách nhanh chóng, kịp thời trước khi hết hạn không phải là việc dễ dàng. Bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vaccine Johnson & Johnson sắp hết hạn, còn các bang như West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas hiện cũng đang trữ hàng nghìn liều vaccine Johnson & Johnson sắp hết hạn. Trong khi đó, một số lượng khá lớn hai loại vaccine khác của Mỹ là Pfizer-BioNTech và Moderna cũng sắp hết hạn trong vài tháng tới bởi thời hạn của các loại vaccine là 6 tháng.
Để nhanh chóng giải quyết số vaccine kể trên, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế tại các bang của Mỹ đã phải đưa ra các hình thức khuyến khích với hy vọng có thêm nhiều người dân sẽ chấp nhận tiêm vaccine Johnson & Johnson trước khi số vaccine này hết hạn. Tuy nhiên, những cố gắng này chưa mang lại nhiều hiệu quả bởi tiến trình tiêm chủng tại nước Mỹ đã bắt đầu chậm lại.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước Mỹ mới sử dụng hết khoảng hơn một nửa trong tổng số 21,4 triệu liều vaccine Johnson & Johnson được phép lưu hành, nhưng đã dùng hết 83% số vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna được sản xuất.