Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ ra thông báo sớm nhất vào ngày 13-8 (giờ địa phương), với nội dung các Viện Khổng Tử ở Mỹ, đa phần có trụ sở tại các trường đại học, cần phải đăng ký là "cơ quan đại diện nước ngoài". Điều đó được hiểu rằng các viện này phải tuân theo các yêu cầu hành chính tương tự như đối với các đại sứ quán và lãnh sự quán.
Lâu nay, nhiều nghị sĩ Mỹ như thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) cảnh báo Viện Khổng Tử thực chất là công cụ để thúc đẩy các tư tưởng có lợi cho Trung Quốc trên đất Mỹ, để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Ông Rubio thúc giục các trường học ở bang Florida chấm dứt thỏa thuận với Viện Khổng Tử.
Theo Bloomberg, động thái mới nhất của chính quyền ông Trump sẽ bồi thêm căng thẳng với Bắc Kinh khi hai nước hiện xung đột về nhiều mặt, từ vấn đề Hồng Kông đến mạng 5G.
Động thái tương tự đã được áp dụng đối với một số hãng truyền thông Trung Quốc vào đầu năm nay. Cụ thể, hồi cuối tháng 2, Mỹ bắt đầu xem 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ như các đại sứ quán nước ngoài.
Theo đó, các cơ quan này - gồm Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio), Công ty China Daily Distribution Corporation (chuyên in ấn, phát hành, quảng bá tờ China Daily) và Công ty Phát triển Hải Thiên tại Mỹ (chuyên phân phối tờ Nhân dân Nhật báo) - phải đăng ký nhân viên và tài sản với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau đó, đến tháng 6, Mỹ tiếp tục coi 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là thực thể trực thuộc đại sứ quán. Bốn cơ quan truyền thông đó gồm Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), hãng tin China News Service thuộc Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện Trung Quốc, báo Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu.
Nhóm trình diễn của Viện Khổng Tử tại TP Indianapolis thuộc bang Indiana - Mỹ trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố năm 2011. Ảnh: PRI
Ấn Độ cũng có động thái tương tự Mỹ. Cuối tuần trước, truyền thông Ấn Độ đưa tin Bộ Giáo dục sẽ đánh giá lại hoạt động của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận hợp tác được ký giữa các tổ chức của Ấn Độ và các tổ chức của Trung Quốc.
Sau khi vấp phải làn sóng phản đối khắp thế giới, hồi đầu tháng 7, Bộ Giáo dục Trung Quốc từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục ngôn ngữ.
Trung Quốc đã thành lập hàng loạt Viện Khổng Tử trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua nhằm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc thông qua các lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp.
Cơ sở đầu tiên được thành lập tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc vào năm 2004. Tính đến nay, Trung Quốc đã thành lập 550 cơ sở và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức ở nước ngoài. Ở Mỹ, Viện Khổng Tử có 80 cơ sở tại các trường đại học như Sanford, Troy…