Thông báo trên được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sẽ ngừng cung cấp cho Nga thông tin từ xa - dữ liệu được thu thập từ xa về chuyến bay của tên lửa, về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các bước đi của Mỹ có thể đảo ngược và Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn trung tâm của Hiệp ước, đồng thời mong muốn Nga trở lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí, song viễn cảnh này khó có thể xảy ra khi cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Nguồn tin cũng cho biết: Đã có cuộc tiếp xúc song phương giữa Mỹ và Nga vào tuần trước, trong đó Moscow từ chối thay đổi hướng đi hiện tại, do đó Mỹ đang thực hiện các biện pháp đối phó kể từ hôm nay. Tuy nhiên Mỹ sẽ thực hiện cách tiếp cận từng bước một với mong muốn tạo cơ hội để Nga quay trở lại bàn đàm phán về việc tuân thủ Hiệp ước NEW START.
Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) được ký vào năm 2010 và sẽ hết hạn vào năm 2026. Hiệp ước New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà các nước có thể triển khai. Theo đó Nga và Mỹ có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền và trên tàu ngầm để vận chuyển chúng. Tuy nhiên hôm 21/2 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước này./.