Trong phiên điều trần trước Tiểu ban dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ về chính sách tiền tệ và thương mại hôm 26.9, ông Billingslea cho biết, Nga khác với các quốc gia khác bị Mỹ trừng phạt trên quy mô lớn ở một số phương diện quan trọng, do đó "chúng tôi đã có sự điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp".
"Chúng tôi không thể, ví dụ, đối phó với sự gây hấn của Nga theo cách chúng ta áp dụng với các nước như Triều Tiên hoặc Iran. Nền kinh tế của Nga lớn hơn và tích hợp tốt với nền kinh tế toàn cầu, hệ thống tài chính quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông nói.
Ông lý giải, khác với Nga , Triều Tiên hoặc Iran, phần lớn hoặc gần như hoàn toàn bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Theo ông Billingslea, thay vào cách tiếp cận trừng phạt như Triều Tiên hoặc Iran, Mỹ triển khai kiểu "phẫu thuật" một số công cụ nhất định nhằm "tối đa hóa sức ép với Nga đồng thời giảm thiểu mức thấp nhất những hiệu ứng lan tỏa không thể đoán định được tới Mỹ, các đồng minh của chúng ta ở Châu Âu và nền kinh tế toàn cầu".
Quan chức người Mỹ cũng nói về tác động của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với các "trùm" doanh nghiệp Nga và tài sản chủ chốt của họ.
Điều này dẫn tới sự sụt giảm mạnh giá cổ phiếu của các công ty này trên thị trường quốc tế cũng như sụt giảm mạnh các tài sản cá nhân của những "trùm" doanh nghiệp Nga.
"Từ tháng 1.2017, chính quyền đã trừng phạt 232 cá nhân và công ty liên quan đến Nga và 215 cá nhân và công ty bị trừng phạt theo quyết định của Bộ Tài chính" - ông Billingslea thông tin.
Ngoài ra, quan chức người Mỹ cũng cho biết, 136 cá nhân và công ty bị trừng phạt vì có liên quan đến vấn đề Nga/Ukraina theo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA. Quan chức này cũng cho biết hàng chục lĩnh vực của các công ty, tập đoàn của Nga cũng bị trừng phạt từ năm 2014.
Đầu tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2018 là 1,7% và tăng trưởng 1,5% vào năm 2019. IMF nhận định, Nga đang hồi phục từ cuộc suy thoái 2015-2016 nhờ các chính sách hiệu quả của chính phủ và giá dầu cao.
Cũng trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo mức tăng trưởng GDP 1,8-2,3% năm 2020 và tăng trưởng GDP 2-3% năm 2021.