Mỹ ngầm nêu “tối hậu thư” với các nước về thiết bị Huawei

Bình Minh |

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ngày 11/2 gần như đưa ra "tối hậu thư" với nội dung "chúng tôi hoặc họ" cho các quốc gia khác về việc mua thiết bị của tập đoàn Trung Quốc Huawei.

Theo tin từ Bloomberg, trong chuyến thăm Hungary, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Washington nói rằng việc ký hợp đồng với Huawei có thể hạn chế khả năng của các quốc gia về tiếp cận với thiết bị của Mỹ.

"Nếu các thiết bị đó cùng được lắp đặt ở những nơi mà chúng tôi có các hệ thống quan trọng của Mỹ, sẽ rất khó để chúng tôi giữ quan hệ đối tác song song với họ", ông Pompeo nói trước các nhà báo ở thủ đô Budapest, khi ông được hỏi về thông điệp mà ông muốn gửi đi về Huawei. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta nhận thức rõ những cơ hội và rủi ro trong việc sử dụng các thiết bị đó. Và rồi các nước sẽ đưa ra quyết định của mình".

Hungary hiện là một cơ sở quan trọng của Huawei tại thị trường châu Âu, đã được hãng này rót lượng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Donald Trump - vốn đang muốn tăng cường quan hệ đối tác với Hungary và các nước Trung Âu khác - cảnh báo rằng các quốc gia sử dụng thiết bị mạng của Huawei trong hạ tầng viễn trong quan trọng có thể tự đặt mình vào những rủi ro an ninh.

Ông Pompeo không nói rõ "các hệ thống quan trọng của Mỹ" mà ông nhắc tới là gì. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ đang đưa nỗ lực chống lại Huawei trở thành một chủ đề chính trong chuyến công du châu Âu tuần này của ông. Sau Hungary, ông Pompeo sẽ có các trạm dừng chân ở Ba Lan, Slovakia, Bỉ và Iceland.

Song song với việc kêu gọi các quốc gia "tẩy chay" Huawei, Mỹ muốn các nhà mạng viễn thông sử dụng thiết bị mạng 5G của các công ty Mỹ như Cisco Systems.

"Các nước sẽ tự đưa ra quyết định của họ trong những vấn đề này", ông Pompeo nói. "Điều cấp thiết là chúng tôi phải chia sẻ với các nước về những gì mà chúng tôi biết về rủi ro từ việc thiết bị Huawei hiện diện trong các mạng lưới của họ".

Xuất hiện tại cuộc họp báo chung với ông Pompeo, Ngoại trưởng Peter Szijjarto của Hungary bác bỏ những chỉ trích cho rằng nước này không hành động đủ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt ảnh hưởng từ Huawei.

Ông Szijjarto nhấn mạnh rằng kim ngạch thương mại của Hungary với Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% kim ngạch thương mại của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, và bất kỳ sự hợp tác nào của Budapest với Bắc Kinh cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác Hungary-Mỹ.

Cảnh báo trên của ông Pompeo một lần nữa phản ánh mối lo của Mỹ về Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là mục tiêu hàng đầu của Washington trong nỗ lực kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ.

Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức công bố buộc tội đối với Huawei, Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của hãng này, cùng hai công ty con, với loạt tội danh từ gian lận điện tín cho tới vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Washington.

Mỹ hiện đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu từ Canada về Mỹ để xét xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại