Bao giờ thì những 'Kẻ hủy diệt' xuất hiện ở tuyến đầu Ukraine?
Xung đột Ukraine đã diễn ra gần 2 năm và gần đây đã được nhiều người đã gọi đây là 'chiến tranh không người lái'.
Các loại máy bay không người lái (UAV/Drone) đang chiến đấu cả trên không, trên mặt đất, trên bề mặt và dưới biển. Các bên tham gia xung đột cũng đã điều chỉnh một phần nền công nghiệp quốc phòng theo hướng này.
Câu hỏi duy nhất còn lại là khi nào các robot hình người tham chiến? Liệu loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt) có thể trở thành hiện thực?
Robot hình người có khả năng được sử dụng ở tuyến đầu hay không? Đầu tiên, việc được trang bị các camera cho phép robot hình người có thể được gửi đến những nơi quá rủi ro cho người lính trinh sát.
Thứ hai là chúng cũng có thể được sử dụng trong giao tranh đô thị. Ví dụ như cầm khiên chống đạn, mang theo các loại lựu đạn và súng máy để dẫn đầu các cuộc tấn công.
Mỹ, Nga đều có 'kẻ hủy diệt'
Để nói về khả năng sử dụng robot trực tiếp chiến đấu, chúng ta không thể bỏ qua Boston Dynamics của Mỹ, công ty công nghệ được công nhận đi đầu trong lĩnh vực này.
Từ năm 2005, Boston Dynamics đã bắt đầu hợp tác với DARPA (cơ quan nghiên cứu công nghệ quân sự của Mỹ) và sau đó công ty này đã tập trung vào các công nghệ robot quân sự. Và ATLAS là robot hình người được cho là đáng sợ nhất của Boston Dynamics.
Gần đây, nó đã khá tiến bộ và có thể thực hiện những hành động mà chỉ những vận động viên thực thụ mới có thể làm được.
Về phía Nga, robot dạng người tên FEDOR của họ đã hoạt động thành công trong thử nghiệm tại Trạm Vũ Trụ Quốc Tế (ISS) vào năm 2019, nhưng điểm đáng lưu ý rằng trước đó nó đã được trang bị thêm kỹ năng bắn súng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu người ta trang bị cho những robot như vậy một khẩu tiểu liên, phóng lựu thậm chí là súng phun lửa và tung nó vào chiến trường - ví dụ như biến nó thành công cụ đi đầu dọn dẹp các tòa nhà?
Chỉ 'chó hủy diệt' Trung Quốc mới phù hợp với Ukraine?
Có lẽ, điều duy nhất ngăn trở ATLAS cũng như FEDOR trở thành một thứ giống như T-800 (mẫu robot đầu tiên trong series Terminator) là giá của nó - 1,5 triệu USD.
Còn về Fedor, ông Evgeniy Dudorov - CEO (Giám đốc điều hành) của nhà phát triển robot Nga NPO Android Technology đã cho biết rằng giá thành của nó "hơn 20... gần 30 triệu rúp (217 đến 325.000 USD).
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi robot hình người nói riêng và robot quân sự nói chung rẻ hơn?
Unitree Robotics là đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của Boston Dynamics và họ đã phát triển robot hình người H1 gợi nhớ đáng kể đến Atlas của Mỹ.
Cao 180 cm, nặng 45 kg - robot Trung Quốc có khả năng di chuyển với tốc độ 5,4 km/h. Nhờ các cảm biến 3D với khả năng quan sát 360 độ, H1 tự tin điều hướng trong không gian, giữ thăng bằng trên địa hình gồ ghề và ngay cả khi bị đẩy mạnh.
Người Trung Quốc có ý định sản xuất hàng loạt và tung H1 vào quý 1 năm 2024 và lợi thế của "T-800 Trung Quốc" so với ATLAS và cả FEDOR là giá của nó - 150.000 USD.
Nếu 150.000 USD vẫn là quá cao thì người Trung Quốc vẫn có một thứ khác không kém phần thú vị đối với mục đích quân sự và giá tương đối thấp là "chó robot" GO1.
"Chú chó" này dài 62 cm, nặng 12 kg (có thể nhét vừa trong ba lô), được trang bị camera có góc 150×170° và hệ thống nhận dạng chủ sở hữu, có thể di chuyển dọc theo cầu thang, đường ống và ống dẫn khí, đạt tốc độ lên tới 17 km/ h và có quyền tự chủ lên tới 90 phút.
Tất cả cho phép các lực lượng vũ trang sử dụng nó như trinh sát. Và ở các phiên bản cao cấp hơn, GO1 có khả năng mang tải trọng lên tới từ 5 đến 12 kg - khá ấn tượng nếu đó là thiết bị nổ tự chế (IED).
Có thể nói giá của những "Kẻ hủy diệt Trung Quốc" như GO1 không quá cao, giao động từ 1 đến hơn 4 triệu rúp (11 đến 43.400 USD). Nó có vẻ hơi đắt với một chủ sở hữu nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa với ngân sách quân sự của một quốc gia.