Washington thông báo với Berlin rằng họ sẽ chia sẻ ít thông tin tình báo hơn với các cơ quan an ninh của Đức nếu mạng không dây nước này sử dụng Huawei Technologies của Trung Quốc để nâng cấp lên 5G, theo Wall Street Journal ngày 11/3.
Theo Reuters, đây là cảnh báo rõ ràng đầu tiên của Mỹ với Đức về hậu quả của việc không loại bỏ công nghệ Huawei trong các dự án chính phủ. Đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, đưa ra cảnh báo trong một bức thư vào ngày 8/3, tờ báo cho biết.
Ông Grenell nói trong thư rằng các công ty Trung Quốc, theo luật pháp Trung Quốc, có thể được yêu cầu hỗ trợ các cơ quan an ninh thu thập thông tin và dữ liệu tình báo, ông này nhấn mạnh việc ứng dụng phần mềm Huawei không thể đảm bảo không có lỗ hổng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier hôm 7/3 cho biết, Đức không muốn cấm Tập đoàn công nghệ Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại nước này, nhưng thay vào đó sẽ thắt chặt các tiêu chí an ninh đối với những nhà cung cấp.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình về việc liệu chính phủ có kế hoạch cấm Huawei xây dựng mạng lưới 5G hay không, ông Altmaier khẳng định, Đức sẽ không loại trừ bất kì công ty nào. Tuy nhiên, chính phủ Đức sẽ thay đổi luật để đảm bảo rằng tất cả các thành phần được sử dụng trong mạng lưới 5G sẽ được bảo mật và không có vi phạm với các quy tắc bảo vệ dữ liệu.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G.
Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei, điều mà tập đoàn Trung Quốc này luôn bác bỏ. Mỹ, Australia, New Zealand cùng nhiều nước khác đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei.
Các hoạt động chống lại Huawei của Washington nằm trong chuỗi diễn biến cuộc chiến thương mại cam go giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ giữa năm 2018 và lên đến đỉnh điểm khi đầu tháng 12/2018 Giám đốc Tài chính Huawei Meng Wanzhou bị bắt tại Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.