Mỹ kỳ vọng gì ở “Trung Đông mới” khi ông Biden thăm Israel, Saudi Arabia?

Phạm Huân/VOV-Washington, Ngọc Thạch/VOV-Cairo |

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới Israel và Saudi Arabia mang nhiều thông điệp và kỳ vọng về một “Trung Đông mới”.

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Times of Israel.

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Times of Israel.

Sau các chuyến công du châu Âu và châu Á với nhiều chương trình nghị sự ưu tiên, bắt đầu từ hôm nay (13/7), Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm 4 ngày đến Trung Đông, với điểm dừng chân tại 2 quốc gia đồng minh quan trọng là Israel và Saudi Arabia.

Mặc dù Mỹ đang trong một quá trình kéo dài nhiều năm để giảm bớt sự can dự của mình vào Trung Đông tuy nhiên bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi, chẳng hạn khả năng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran hay chiến sự Nga – Ukraine kéo dài… có thể khiến Washington phải sắp xếp lại các mối quan hệ hoặc tái cân bằng lợi ích với các quốc gia đồng minh ở Trung Đông.

Washington kỳ vọng sẽ đạt được điều gì vào một “Trung Đông mới”? Quan điểm của các nước trong khu vực vào sự hiện diện của Mỹ ở đây ra sao?

Thay đổi trong quan điểm và kỳ vọng của chính quyền Biden

Ông Joe Biden có chuyến thăm Trung Đông lần đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ và khu vực này cũng đã có nhiều thay đổi kể từ chuyến công du chính thức cuối cùng của ông cách đây 6 năm. Đáng kể nhất là việc Israel ký nhiều thỏa thuận hòa bình với các nước Arab.

Trung Đông đang có nhiều thay đổi chiến lược địa chính trị, đặc biệt là quan hệ quốc tế trong khu vực. Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm đầu tiên đến Trung Đông của Tổng thống Mỹ Biden kể từ khi lên nhậm chức, với hai chặng dừng chân tại Israel và Saudi Arabia đang thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận Mỹ mà còn dư luận của tất cả các nước trong khu vực và có liên quan. Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng đang còn nhiều ý kiến tranh cãi, cả ủng hộ lẫn phản đối chuyến thăm của ông Biden, đặc biệt là chặng dừng chân tại Saudi Arabia.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi giá dầu mỏ tăng mạnh kéo theo lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ thì chuyến thăm của ông Biden đến khu vực dường như không phản ánh nhiều về sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với Trung Đông, một khu vực đầy rẫy những bất ổn kéo dài chưa được giải quyết.

Theo đó thì chuyến thăm này dường như chỉ là sự khởi động trở lại chính sách can dự của chính quyền Biden đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Hay nói cách khác, có thể thấy sau châu Âu, châu Á, chính quyền Tổng thống Biden đang muốn thể hiện sự quan tâm đến khu vực Trung Đông với chính sách can dự và lôi kéo, tập hợp các quốc gia có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đây cũng là động thái nhằm giải quyết khủng hoảng ngắn hạn, tập trung vào giá dầu mỏ đang tăng cao và sự suy giảm uy tín của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với khu vực có lẽ là tìm cách giảm căng thẳng trong những vấn đề còn mâu thuẫn, tập trung mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực

Có thể thấy rằng trong dài hạn, kỳ vọng của chính quyền Biden với chuyến thăm lần này là đặt cơ sở nền tảng, mở rộng can dự và hợp tác giữa Mỹ với các nước khu vực. Về ngắn hạn, có thể sẽ là việc các nước khu vực lên tiếng ủng hộ Mỹ trong xung đột Nga-Ukraine, tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ để giảm giá… và đặc biệt là sự ủng hộ của Israel cũng như các nhóm vận động hành lang đầy sức mạnh của Nhà nước Do Thái đối với đảng Dân chủ trước thềm bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới.

Các thách thức của ông Biden

Nhân chuyến đi này, Tổng thống Biden có cơ hội để hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia, nỗ lực thuyết phục các nước vùng Vịnh tăng sản lượng khai thác dầu để nhằm hạ nhiệt giá mặt hàng này hay trấn an các đồng minh trước khả năng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chuyến công du này của ông Biden được cho là nhắm tới nhiều mục tiêu khác nhau. Ngoài việc hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia, thuyết phục các nước Arab tăng sản lượng dầu, trấn an đồng minh về mối đe dọa từ Iran thì chuyến thăm thăm Bờ Tây còn nhằm khẳng định giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine như đã cam kết, kêu gọi các nước Arab đứng về phía Mỹ trong một số vấn đề quốc tế, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng người Do Thái trước cuộc bầu cử Hạ viện Mỹ vào cuối năm nay.v.v… Trong mỗi mục tiêu mà Mỹ hướng tới đều có những thách thức.

Trước hết, trong gần 2 năm qua, chính quyền Mỹ lựa chọn chiến lược ít can thiệp vào Trung Đông nhưng điều này lại tạo điều kiện cho Nga, Trung Quốc và một số nước gia tăng ảnh hưởng. Bằng chứng là nhiều thỏa thuận quân sự, kinh tế và chuyến thăm cấp cao giữa Nga và các nước Arab được thực hiện, cụ thể như Saudi Arabia.

Ngoài ra việc chính quyền Mỹ chọn đàm phán hạt nhân với Iran nhưng kết quả vẫn không mấy tiến triển khiến cho các đồng minh Arab lo ngại về sự an toàn, cũng như lo ngại một ngày bị bỏ rơi như Afganistan buộc họ phải có những lựa chọn riêng, giảm phụ thuộc vào Mỹ và tự đảm bảo an ninh, an toàn cho chính họ. Các nước Arab và ngay cả đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Saudi Arabia cũng vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukcraine . Đó là một thách thức mà ông Biden cần hàn gắn và củng cố trong chuyến công du này. Nhưng cũng rất khó, khi một số các nước Arab thời gian qua mở rộng quan hệ về với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.v.v…

Năng lượng và an ninh lương thực cũng là một trọng tâm trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ. Mỹ nhận thức xung đột Nga - Ukraine cho thấy những sai lầm của quan điểm cho rằng Trung Đông không còn tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Chống khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực cho Trung Đông thực sự là thách thức trong chuyến thăm này của ông Biden.

Bởi nhóm OPEC+ mà Nga là thành viên vẫn tuân thủ cam kết về sản lượng dầu mà nhóm này đưa ra. Dường như các nước Arab sẽ khó nghe theo Mỹ để tăng sản lượng, để giảm giá dầu. Nếu theo đề xuất này, các nước Arab sẽ vừa mất tiền, mất năng lượng và mất cả uy tín trong OPEC+ cũng như mất cả sự độc lập mà dầu mỏ là “vũ khí” chiến lược của họ.

Ông Biden cũng dự kiến trấn an Israel về mối đe dọa của Iran. Nhưng thỏa thuận hạt nhân thì vẫn bế tắc, trong khi Iran vẫn làm giàu uranium còn nội bộ Israel đang khủng hoảng chính trị, chính phủ vừa tuyên bố giải tán quốc hội và đang chờ một cuộc bầu cử mới. Đó là thách thức lớn với chính quyền Mỹ và ông Biden nhất là cam kết đảm bảo an ninh cho Israel.

Ngoài ra, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria, bế tắc chính trị ở Iraq, Libya và Lebanon cũng đang là những thách thức với chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Thông điệp từ việc ông Biden bay thẳng từ Israel sang Saudi Arabia

Theo kế hoạch, ông Biden sẽ bay thẳng từ Israel sang thành phố Jeddah của Saudi Arabia, qua đó trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thực hiện một chuyến bay thẳng từ Israel tới một quốc gia Arab không công nhận Nhà nước Do Thái.

Trước khi Hiệp định Abraham dưới sự bảo lãnh của Mỹ được ký kết ngày 13/08/2020, chỉ có hai quốc gia trong khu vực là Ai Cập và Jordan có quan hệ chính thức với Israel. Sau thỏa thuận Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với 4 quốc gia trong Liên đoàn Arab là Bahrain, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Sudan và Marốc thì có thể Saudi Arabia là quốc gia tiếp theo mà Mỹ mong muốn sẽ thiết lập quan hệ chính thức với Israel.

Ngay trước chuyến thăm, trong một bài viết đăng tải trên tờ Bưu điện Washington với tiêu đề “Tại sao tôi lại đi thăm Saudi Arabia”, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay từ Israel đến Saudi Arabia, động thái mang tính chất biểu tượng về các mối quan hệ đang chớm nở và bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng công khai ý định giúp Israel và Saudi Arabia hàn gắn quan hệ với tuyên bố rằng các lãnh đạo khu vực có thể phối hợp, hướng tới một Trung Đông hội nhập và ổn định.

Bên cạnh nỗ lực khẳng định hình ảnh cá nhân đối với cử tri Mỹ và Trung Đông thì chuyến bay của ông Biden cũng phần nào cho thấy xu hướng chính sách của Mỹ đối với các nước khu vực trong giải quyết các vấn đề nóng như hạt nhân Iran, xung đột Israel-Palestine hay cuộc chiến tại Syria, Yemen…

Theo đó, Chính quyền Biden đang muốn khôi phục vai trò lãnh đạo, ngoài việc duy trì đảm bảo an ninh cho các đồng minh thì còn muốn là điều phối viên thúc đẩy hợp tác giữa các đồng minh và đối tác của mình chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề của riêng họ. Xa hơn nữa là củng cố quan hệ với các đồng minh, xây dựng các liên minh mới nhằm giải quyết không chỉ các vấn đề nóng mà còn đối phó với ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu của Nga, Trung Quốc, các quốc gia mà Mỹ đang xác định là đối thủ chiến lược./.

Nhìn nhận của khu vực về tích hợp phòng không

Dự kiến trong chuyến thăm này, phía Mỹ thăm dò khả năng tích hợp phòng không với một số nước ở Trung Đông. Kế hoạch của Mỹ nhằm tích hợp hệ thống phòng không và tên lửa của các nước trong khu vực có thể giúp ngăn chặn và đánh chặn các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ.

Hệ thống này dự kiến ​​sẽ bao phủ Israel, Ai Cập, Jordan, Iraq và Vùng Vịnh. Đề xuất này được Israel ủng hộ và đang thúc đẩy song song với hiệp định Hòa bình với thế giới Arab. Ngay cả khi hệ thống phòng không khu vực được triển khai một phần, nó sẽ nâng cao khả năng của phòng thủ Israel và ở mức độ thấp hơn với các nước láng giềng khác. Mặt khác, hệ thống này có thể giúp Mỹ thuyết phục Saudi Arabia, quốc gia thường xuyên bị tấn công, chính thức hóa quan hệ với Israel.

Tuy nhiên, các chính sách an ninh quốc phòng của các nước sẽ ngăn cản việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trong khu vực - đặc biệt là ở Saudi Arabia, Qatar, Oman, Kuwait và Iraq, bởi vì Israel sẽ là một phần của mạng lưới này.

Các nước này một số đã duy trì quan hệ an ninh, kinh tế hoặc ngoại giao bí mật với Israel, nhưng họ chưa sẵn sàng chấp nhận bình thường hóa hoàn toàn vì nhiều lý do. Có sự phản đối áp đảo trong quốc hội Iraq và Kuwait đối với việc bình thường hóa với Israel. Điều này có nghĩa là các nước này còn lâu mới thiết lập quan hệ chính thức với Israel.

Iran cảnh báo kế hoạch của Mỹ và Israel về một hiệp ước phòng thủ chung với các quốc gia Arab sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây chia rẽ trong khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại