Tiếp tục cấp vũ khí
Thông tin về việc Mỹ tiếp tục cấp vũ khí cho "đối lập ôn hòa" được trang The Washington Post dẫn nguồn từ chính phủ nước này cho biết, Tổng thống Barack Obama cùng những bộ phận chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, đã bàn về vấn đề nên hay không cấp vũ khí cho lực lượng đối lập Syria - lực lượng đang nhận được hỗ trợ từ CIA.
Tuy nhiên, theo tình báo Nga và Syria, ngay từ trước khi cuộc thảo luận này được diễn ra, Mỹ và đồng minh đã âm thầm tuồn vũ khí chiến lược vào Syria, trong đó có pháo phản lực phóng loạt và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) - những vũ khí có thể khiến Nga nếm trái đắng.
Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) do Mỹ sản xuất.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố, việc Mỹ cung cấp MANPADS cho đối lập Syria hoàn toàn không mang lại hiệu quả: "Tôi cho rằng, đây sẽ là một biện pháp hoàn toàn phản tác dụng", ông này cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm rằng.
"Dù những người này (phe đối lập Syria) được người Mỹ huấn luyện và trang bị, nhưng cuối cùng họ có thể sẽ làm điều tương tự vụ hôm 11/9 ở New York", ông Bogdanov cảnh báo Mỹ và cho biết thêm rằng, động thái này có thể tại thành mối đe dọa đối với cả các máy bay Nga và Mỹ trong tương lai.
"Động thái này rất nguy hiểm, bởi vì hôm nay họ sẽ bắn hạ các máy bay của Syria và của chúng tôi và chắc hẳn máy bay Mỹ cũng không phải là ngoại lệ", ông Bogdanov tuyên bố.
Theo thống kê của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR - có trụ sở tại Anh) kể từ giữa tháng 4/2016 đến nay, đã có hàng loạt vụ máy bay của chính phủ Syria bị đối lập và quân khủng bố bắn hạ bằng MANPADS.
Ngoải MANPADS, đồng minh của Mỹ còn cấp cho phe đối lập Syria pháo phản lực phóng loạt Grad - sự giúp đỡ mà theo nhận định của Reuters "Đây là sự trợ giúp tuyệt vời". Nguồn tin thứ hai cho biết, các tên lửa nhận được cho phép họ tiến hành những đòn tấn công đáng kể vào vị trí của quân chính phủ.
Trước khi nhận được vũ khí hạng nặng là pháo phản lực Grad và MANPADS, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đầu tháng 10/2015 cũng đã phê chuẩn việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria.
Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp đạn dược và có thể là vũ khí cho phe đối lập Syria. Tổng thống Obama tán thành ý định tăng cường chiến dịch không kích từ căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chi tiết kế hoạch vẫn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ lực lượng đối lập trong bối cảnh Nga can thiệp vào cuộc chiến tại Syria. Và với việc cấp vũ khí này, Mỹ đang từng bước thực hiện “Kế hoạch B” tại Syria.
"Kế hoạch B" là gì?
Trang Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ quan chức giấu tên cho biết, "Kế hoạch B" của Mỹ tuy đơn giản nhưng có hiệu quả rất cao. Nhưng nếu kế hoạch này được thực hiện, nó rất có thể sẽ mang lại tai họa cho Nga, Syria và cả khu vực Trung Đông.
Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí “mạnh” hơn cho phe “đối lập ôn hòa” ở Syria, bao gồm những hệ thống vũ khí sẽ giúp họ tấn công được máy bay chiến đấu và các vị trí của lực lượng pháo binh quân đội Syria, giúp họ đánh bại quân đội trung thành với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Như vậy, Mỹ đã quyết định là nếu thỏa thuận ngừng bắn Syria bị phá vỡ, nước này sẽ cung cấp cho các phe nhóm phiến quân chống chính quyền Assad các loại vũ khí phòng không và tấn công mặt đất tối tân, có khả năng phản pháo lực lượng pháo binh Syria.
Nếu chiến sự lại bùng phát và kế hoạch này được thực hiện, trong tình huống Nga vẫn duy trì cường độ và mật độ tấn công lực lượng phiến quân đối lập như trước, rất có thể chúng sẽ bắn hạ không chỉ các máy bay của quân đội Syria mà cả các chiến đấu cơ của Nga.
Điều nguy hiểm hơn nữa là các phe nhóm đối lập Syria được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Ả Rập trong khu vực như Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ đều có quan hệ với 2 nhóm nằm trong danh sách khủng bố là Nhà nước Hồi giáo IS và al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda ở Syria).
Ví dụ như tổ chức Quân đội Syria Tự do (FSA, do Mỹ đào tạo) đã liên kết với al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda) và Ahrar al-Sham (Nhân dân Syria tự do, do các nước Ả Rập hậu thuẫn), thành lập liên minh “Đội quân Chinh phục” (tức Jaish al-Fatah trong tiếng Arab, tiếng Anh là Army of Conquest).
Trước đây, Mỹ và đồng minh cứ viện trợ vũ khí hạng nặng gì cho FSA và Ahrar al-Sham thì al-Nusra đều có (ví dụ tên lửa chống tăng TOW). Do đó, nếu họ viện trợ những vũ khí phòng không cho phiến quân đối lập Syria thì rất có thể chúng sẽ lọt vào tay các ổ nhóm khủng bố.
Nếu điều này xảy ra thì tất cả các máy bay thương mại có kích thước lớn, tốc độ bay chậm có thể sẽ gặp nguy cơ bị bắn hạ bất cứ lúc nào. “Kế hoạch B” của Mỹ sẽ mang lại thảm họa không chỉ cho Nga và Syria, mà đối với cả toàn khu vực Trung Đông.