Mỹ khai chiến thương mại với Trung Quốc: Thực chất là đấu đá quyền lực nước lớn

Phong Vân |

Tờ Hoa Nam buổi sáng Hồng Kông ngày 17/8 đăng bài viết "Đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là sự nổi lên mạnh mẽ của cạnh tranh quyền lực hai nước và chủ nghĩa bảo hộ thương mại" của giáo sư Lưu Tuân Nghĩa.

Cuộc đấu quyền lực số 1 thế giới

Bài viết cho rằng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không liên quan đến thương mại, mà là kết quả của hai sự kiện động thái lớn cùng tác động lên quan hệ Trung - Mỹ.

Sự kiện thứ nhất có liên quan đến sự cạnh tranh Trung - Mỹ đối với địa vị thống trị kinh tế và công nghệ thế giới. Cái thứ hai có liên quan đến sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo thủ trên toàn cầu, nhất là ở Mỹ.

Cạnh tranh Trung - Mỹ sớm đã diễn ra, cho dù nó không có hình thù. Nó không phải bắt đầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng sẽ không mất đi khi ông Donald Trump không còn làm Tổng thống.

Sở dĩ hiện nay cạnh tranh Trung - Mỹ trở nên gay gắt là do GDP của Trung Quốc vào năm 2000 chỉ bằng 10% Mỹ, đến năm 2017 đã tăng mạnh lên bằng 2/3 Mỹ. Theo xu hướng này, e rằng đến thập niên 30 của thế kỷ này thì Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ.

Bài viết cho rằng cạnh tranh chưa chắc không tốt. Chẳng hạn, để chế tạo được siêu máy tính nhanh nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ đã triển khai cạnh tranh, kết quả là hai nước đều đã chế tạo được máy tính tốt hơn, nhanh hơn.

Mỹ khai chiến thương mại với Trung Quốc: Thực chất là đấu đá quyền lực nước lớn - Ảnh 1.

Siêu máy tính Mỹ đứng đầu thế giới. Ảnh: Yicai Global.

Năm 2018, siêu máy tính Summit của hãng IBM Mỹ đã đánh bại siêu máy tính Sunway TaihuLight của Trung Quốc, trở thành quán quân của Top 500 siêu máy tính toàn cầu. Sunway TaihuLight hoàn toàn sử dụng chip do Trung Quốc tự sản xuất, năm 2016 và năm 2017 đều giành được vị trí đứng đầu danh sách này.

Do chiến tranh thương mại, Mỹ có thể gây gián đoạn việc cung ứng chất bán dẫn tiên tiến, điều này phần lớn sẽ tăng cường quyết tâm "tự cấp tự túc" của Trung Quốc.

Theo bài viết, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo thủ nổi lên ở Mỹ và các nơi trên thế giới cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại và đầu tư quốc tế. Những xu hướng này mặc dù không phải do ông Donald Trump khơi lên, nhưng ông tận dụng chúng rất có hiệu quả và nhào nặn Trung Quốc thành "vai phản diện" lại là sự thực.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do phân phối thu nhập không đồng đều của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa làm cho rất nhiều quốc gia được lợi, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, nhưng bất kể Trung Quốc hay Mỹ thì toàn cầu hóa đều không đem lại lợi ích phổ biến, do đó đã xuất hiện kẻ thua cuộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đi theo nguyên tắc "tổng bằng không", tức là một nước thu được lợi ích thì nước khác chắc chắn sẽ bị tổn thất. Vì vậy, ông Trump cho rằng tận dụng tối đa khối lượng và sức mạnh của Mỹ, đàm phán trực tiếp các thỏa thuận thương mại song phương với các nước có thể cải thiện tình cảnh của Mỹ.

Một điều không làm hài lòng ông Donald Trump là Mỹ chưa thu được lợi ích đầy đủ từ quan hệ kinh tế Trung - Mỹ. Trung Quốc thông qua mở rộng buôn bán với bên ngoài, làm cho 600 triệu người thoát nghèo. Người tiêu dùng Mỹ cũng được hưởng "hàng đẹp giá rẻ" trong 20 năm.

Mỹ khai chiến thương mại với Trung Quốc: Thực chất là đấu đá quyền lực nước lớn - Ảnh 3.

Mỹ tập trung chiến tranh thương mại vào ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ảnh: Ifeng.

Cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào? Có thể trừ Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước trên thế giới sẽ tiếp tục bảo vệ hệ thống thương mại đa phương của WTO. Suy cho cùng, tất cả các nước đều có được lợi ích và sẽ tiếp tục được lợi từ đó. Nhưng, trong thời gian tới, quan hệ Trung - Mỹ phải được kiểm soát một cách thận trọng - báo Hồng Kông lưu ý.

Tại sao Trung Quốc không nhượng bộ?

Tờ Đa Chiều ngày 19/8 cho rằng dự đoán chiến tranh thương mại đã trở thành vấn đề quan trọng của Hội nghị Bắc Đới Hà, một hội nghị quan trọng của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, cho thấy chiến tranh thương mại đã vượt qua phạm trù tranh chấp thương mại và kinh tế.

Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cho rằng tranh chấp thương mại là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm làm chậm các bước trỗi dậy của Trung Quốc.

Một cựu quan chức thương mại Trung Quốc cho rằng hiện nay Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tự tin, vì vậy Trung Quốc không thể tỏ ra yếu thế. Nếu ban đầu đưa ra nhượng bộ quá nhiều thì sẽ chỉ làm cho ông Donald Trump trở nên "hăng" hơn.

Chuyên gia Cheng Li, Viện Brookings ở Washington, Mỹ cho rằng ngoài chiến tranh thương mại, một loại tranh chấp khác như an ninh với Mỹ đã khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp khó khăn chính trị. Nếu chỉ là vấn đề kinh tế và thương mại thì nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẵn sàng thỏa hiệp.

Chiến tranh thương mại ngày càng leo thang không chỉ đã tấn công đối với động lực quan trọng của phát triển kinh tế Trung Quốc (các vùng kinh tế quan trọng), mà còn gây ảnh hưởng rõ rệt đối với thị trường chứng khoán, thậm chí giá cả bất động sản ở Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Cheng Li, trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên tồn tại phán đoán nhầm. Mỹ đã đánh giá thấp tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và quyết tâm sử dụng vũ lực khi cần thiết của Bắc Kinh. Còn Trung Quốc đã đánh giá thấp ý đồ sử dụng vũ lực ngăn chặn Trung Quốc khi Mỹ có các hành động quân sự.

Mỹ khai chiến thương mại với Trung Quốc: Thực chất là đấu đá quyền lực nước lớn - Ảnh 5.

Ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại đang gây lo ngại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Liberty Times Net.

Cựu Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc cũng cho rằng chiến lược ưu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ngăn chặn Trung Quốc. Chiến tranh thương mại sẽ là một cuộc chiến kéo dài và không ngừng leo thang. Mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy sẽ làm cho chiến tranh thương mại tiếp diễn.

Cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ Claire Reade cho rằng hiện chưa rõ khi nào Mỹ mới tái khởi động đàm phán chính thức với Trung Quốc. Trước khi chưa gây đủ thiệt hại cho Trung Quốc và thu được lợi ích nhất định, ông Donald Trump không có ý định triển khai đàm phán chính thức trong ngắn hạn.

Theo báo chí Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ lệnh phải sớm khôi phục quan hệ ổn định với Mỹ vì ông đã nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kéo dài cuộc chiến thương mại đối với kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ lại đang có những triển vọng tích cực. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ thời gian tới như thế nào sẽ tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp, nhượng bộ giữa hai bên trong các cuộc đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại