Theo SCMP, Trung Quốc coi chiến tranh thương mại là một phần kế hoạch của Washington để ngăn Bắc Kinh phát triển lên đến đỉnh cao. Dù sẵn sàng tham gia đối thoại, Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen cho rằng cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào cuối tháng 8 có ít khả năng mang lại điều gì đột phá.
“Tổng thống Trump đang rất tự tin và Trung Quốc không nên xuất hiện một cách yếu đuối” – một cựu quan chức thương mại Trung Quốc cho biết, ông này cho rằng nhượng bộ quá nhiều ngày từ đầu có thể khiến Tổng thống Mỹ càng trở nên khiêu khích hơn.
Trước và trong khoảng thời gian diễn ra cuộc họp bí mật quan trọng Bắc Đới Hà của các quan chức hàng đầu Trung Quốc, truyền thông trung ương Trung Quốc xuất bản một loạt bài viết và bình luận cho thấy tình hình khắt khe hơn trong mối quan hệ Trung – Mỹ.
Bài viết trên Nhân dân Nhật báo ngày 10/8 nói chính quyền Tổng thống Trump đang tiếp tục cách tiếp cận “lôi kéo và ngăn chặn” đối với Trung Quốc, hy vọng nhào nặn lại sự phát triển của Trung Quốc theo tầm nhìn của nước này.
“Xem lại các đàm phán thương mại với Mỹ có thể thấy chính phủ Mỹ rất mất kiên nhẫn, mâu thuẫn và thất thường” – bài viết nói. “Nhưng logic ở hậu trường lại khá rõ ràng – mục đích không bao giờ chỉ là thu hẹp thâm hụt thương mại, mà còn để ngăn chặn Trung Quốc trong những lĩnh vực rộng lớn hơn.”
Một bình luận khác của ấn bản Nhân dân Nhật báo quốc tế ngày 12/8 nói Mỹ đang cố gắng trở thành bá chủ và Trung Quốc nên quyết tâm chiến đấu.
Cheng Li, một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Brookings Washington cho rằng cùng với thương mại, một danh dách dài xung đột về an ninh và các tranh chấp khác với Mỹ đã tạo ra tình huống tiến thoái lưỡng nan về chính trị cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Nếu chỉ là trên mặt trận kinh tế và thương mại, lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng thỏa hiệp” – Li nói.
Căng thẳng thương mại leo thang tác động đến những cỗ máy quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và thị trường chứng khoán, bất động sản.
Điều này dường như đã làm suy yếu tầng lớp trung lưu – lực lượng ổn định quan trọng nhất ở Trung Quốc, Li nhận định. Do đó chính sách ngoại giao của ông Tập bắt đầu bị chỉ trích và những áp lực được tạo ra từ công chúng và giới trí thức – Li nói.
Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhận định ông Tập Cận Bình gặp hai thách thức lớn là sự đối đầu với Mỹ và sự phản đối ở Trung Quốc trên con đường chính sách đang đi. Thái độ của Bắc Kinh với Mỹ thay đổi sau khi chính quyền Tổng thống Trump coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và thế lực đối đầu trong một tuyên bố tháng 12/2017.
“Đối với Bắc Kinh, tất cả mọi thứ có thể thảo luận chừng nào họ còn được xem là đối tác hoặc bạn bè. Nhưng nhiều thứ không thể đàm phán được nếu là kẻ thù” – nhà ngoại giao Mỹ nói.
Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra như thế nào? (Nguồn: SCMP)
Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài và căng thẳng khi Tổng thống Trump coi sự phát triển của Trung Quốc là mối đe dọa đối với chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” (America first) của ông.
Nhưng một sự kiện có thể làm ảnh hưởng đến cách tiếp cận này của ông Trump với Trung Quốc, đó là cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Nông dân Mỹ, những người chịu ảnh hưởng của xung đột thương mại có thể gây ra áp lực nhất định lên Tổng thống Trump.
Trong một phần chiến lược rộng lớn hơn, chiến tranh thương mại cùng với các động thái khác nằm trong nỗ lực của Mỹ làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng dự định đầu tư vào Ấn Độ - Thái Bình Dương để đáp lại sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết chiến tranh thương mại được chuyên gia đưa ra đó là ông Tập và ông Trump đối thoại trực tiếp. Sau một số cuộc gặp năm 2017, hai lãnh đạo chưa gặp riêng trong năm 2018 và lần điện đàm gần nhất là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6.
Các nhà đàm phàn Mỹ - Trung cũng đang lên kế hoạch đối thoại, với mục tiêu kết thúc chiến tranh thương mại trước tháng 11 – thời điểm hai lãnh đạo có thể gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20.