Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ‘hành vi bắt nạt’ ở biển Đông

Thái An |

Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt” trên biển Đông, Reuters đưa tin.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng, họ quan ngại trước các “hành động khiêu khích” của Bắc Kinh nhằm vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước Đông Nam Á trên biển Đông.

Ba nguồn tin an ninh khu vực nói với Reuters rằng, một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh và dân quân biển, đang bám dính một tàu thăm dò của công ty dầu khí Petronas của Malaysia.

Trước đó, hồi đầu tuần, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc bị phát hiện ở trong vùng biển Việt Nam – nơi tàu này bị tình nghi thăm dò dầu mỏ trái phép hồi năm ngoái.

“Mỹ quan ngại trước thông tin về các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền (ở biển Đông)”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

“Trong trường hợp này, Trung Quốc cần chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích và gây mất ổn định”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đầu tuần này, khi tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 bị phát hiện trong vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, con tàu này đang thực hiện các hoạt động bình thường.

Ngày 14/4, dưới sự hộ tống của tàu hải cảnh Trung Quốc, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km, theo dữ liệu của website chuyên theo dõi tàu thuyền trên biển Marine Traffic.

Ngày 15/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông.

“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông”, bà Hằng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại