Mỹ kẻ cả, đắc ý trước TQ: Coi chừng "cười người hôm trước, hôm sau người cười"

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cả những biện pháp chính sách khác nữa chứ sẽ không ngồi im chịu đòn của ông Trump.

Không để thua và không thể thắng

Cứ từ những động thái mà suy xét thì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện ở trong tình trạng tồi tệ gần như chưa từng thấy kể từ khá nhiều thập kỷ nay.

Điều này thể hiện không chỉ ở chỗ vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 vừa qua giữa hai bên kết thúc nhanh chóng mà không đưa lại thoả thuận cuối cùng như hai bên mong muốn mà còn ở cách ứng xử và hành xử của tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc.

Tuy luôn quả quyết là rất thân thiện và coi trọng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump lại thường xuyên không tế nhị đủ mức trên phương diện nhạy cảm nhất và luôn được Trung Quốc để ý coi trọng nhất là giữ thể diện cho Trung Quốc.

Sách lược hay chiến lược của ông Trump đối với Trung Quốc cho tới nay luôn là vừa tỏ thiện chí đàm phán với Trung Quốc vừa gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, luôn kẻ cả như thể ở đẳng cấp khác với Trung Quốc và tự cho mình có quyền đặt điều kiện cho Trung Quốc.

Ngay khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 vừa qua chưa kết thúc, ông Trump đã cho thực hiện tăng áp thuế quan bảo hộ thương mại từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Đồng thời, ông Trump doạ dẫm sẽ áp thuế quan 25% này thêm cho 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tức là sẵn sàng dùng vũ khí là bảo hộ mậu dịch tấn công vào toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc trong trao đổi thương mại với Mỹ.

Khi hành xử như thế với Trung Quốc, ông Trump chỉ có thể không hiểu biết thấu đáo về Trung Quốc nói chung cũng như về tính cách và tâm lý của người Trung Quốc nói riêng, hoặc ông hiểu biết đấy nhưng bất chấp.

Vòng đàm phán thứ 11 vừa qua vì thế đã bị thất bại từ khi nó chưa bắt đầu chính vì thế.

Nếu vòng đàm phán này thành công thì Trung Quốc thua to khi không thể tránh khỏi bị cảm nhận là chịu khuất phục trước cái gọi là sách lược hay chiến lược nói trên của ông Trump.

Trung Quốc đâu có sẵn sàng - hiện tại cũng như cả trong tương lai - đâu có sẵn sàng để ông Trump dễ dàng thắng trận đến thế.

Chuyện nhỏ và chuyện lớn

Giải quyết chuyện xung khắc thương mại hiện tại chỉ là chuyện nhỏ giữa hai bên. Chuyện lớn là Trung Quốc muốn thực hiện thành công kế hoạch "Made in China 2025" trong khi ông Trump quyết tâm bằng mọi giá cản trở Trung Quốc đạt được mục tiêu này.

Bên nào cũng sẽ làm tất cả để không bị thua trong cuộc chơi lớn ấy. Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cả những biện pháp chính sách khác nữa chứ sẽ không ngồi im chịu đòn của ông Trump.

Hai bên rồi sẽ lại đàm phán với nhau. Sau thời gian 1 tháng mà ông Trump đưa ra trong tối hậu thư gửi Trung Quốc mà hai bên vẫn chưa đạt được thoả thuận cuối cùng thì rồi thời hạn đàm phán sẽ lại được gia hạn thêm thôi - như đã được thực hiện trước đó.

Ông Trump hiện quả quyết là "không vội" với Trung Quốc. Nhưng chẳng bao lâu nữa đâu, dân Mỹ sẽ thấm tác động của cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên sẽ nghĩ về ông Trump khác so với bây giờ.

Càng gần đến thời điểm cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ thì ông Trump càng cần có thoả thuận - thoả thuận chứ không phải tiếp tục xung khắc - với Trung Quốc, tương tự như cần tiến triển cụ thể và cơ bản trong việc xử lý vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran và Triều Tiên.

Lợi thế thuộc về bên "trường vốn và dài hơi" mà trong trường hợp hiện tại thì thuộc về ông Tập Cận Bình nhiều hơn là về ông Trump. Trung Quốc hiện có khó xử và gặp khó khăn. Nhưng chỉ cần yên ổn qua được thời kỳ này thì Trung Quốc sẽ khiến chính quyền Mỹ phải có chính sách khác và cách đối xử Trung Quốc khác.

Mỹ kẻ cả, đắc ý trước TQ: Coi chừng cười người hôm trước, hôm sau người cười - Ảnh 2.

Cho nên đối sách của Trung Quốc cũng là vừa duy trì đàm phán vừa đáp trả Mỹ với định hướng là đàm phán thành công không quan trọng bằng duy trì đàm phán, nhu trong đàm phán kết hợp với cương trong đáp trả Mỹ.

Dẫu là xung khắc thương mại hay chiến tranh thương mại hoặc cạnh tranh chiến lược với nhau, dẫu ngắn hạn hay trung hạn hoặc dài hạn thì Mỹ và Trung Quốc đều không thể chỉ có thắng mà không bị thua, không chỉ có được lợi mà không bị thiệt.

Câu ca dao "Ai ơi chớ vội cười người / Cười người hôm trước, hôm sau người cười" xem ra rất hợp với hai nước này bây giờ.

Ba bất đồng giữa hai bên được phía Trung Quốc thổ lộ mang tính cơ bản và nguyên tắc trong toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước, chứ không phải riêng cho cuộc xung khắc thương mại mà hai bên chỉ có thể làm dịu bớt chứ không thể khắc phục được.

Vì bên nào cũng không để bị thua nên sẽ chẳng bên nào có thể thắng. Hai bên chỉ có thể cùng thua hoặc cùng thắng mà cùng thua thì dễ trong khi cùng thắng lại khó, thậm chí rất khó.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại