Bắc Kinh kiên quyết không "nuốt thêm trái đắng", báo TQ đồng loạt "ném đá" Mỹ kịch liệt

Tất Đạt |

Mỹ và Trung Quốc dường như đã bế tắc hoàn toàn trong cuộc đàm phán thương mại vào ngày 12/5 khi Washington đòi hỏi phải có sự thay đổi trong luật pháp của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không "nuốt thêm trái đắng" và kiên quyết không chịu thêm thiệt hại.

Thương chiến giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã có dấu hiệu leo thang vào ngày 10/5 khi Mỹ dự định áp thêm thuế quan với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói Bắc Kinh đã "phá vỡ thỏa thuận", không tuân thủ theo các cam kết đã đồng thuận trong nhiều tháng trước đó.

Trả lời trên "Fox News Sunday", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Trung Quốc cần phải tuân thủ "rất chặt chẽ" các điều khoản để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ngoài ra, mấu chốt ở đây là Bắc Kinh rất do dự trong việc thay đổi pháp luật nước này theo ý Mỹ.

Ông Kudlow khẳng định thuế quan Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì khi các cuộc thỏa thuận chưa kết thúc.

Bắc Kinh vẫn đang khiêu khích Mỹ?

"Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh mất tự trọng, không ai có quyền hi vọng Trung Quốc sẽ nuốt trái đắng và tự làm tổn hại các giá trị cốt lõi của đất nước này," tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - viết trong một bài xã luận đăng tải ngày hôm nay, 13/5.

Theo đó, Bắc Kinh rất cởi mở và mong muốn đối thoại, nhưng sẽ không "đầu hàng" trong các vấn đề nguyên tắc quan trọng.

Bên cạnh đó, một bài viết khác trên tờ Hoàn Cầu cũng khẳng định Trung Quốc không có lí do gì để sợ hãi chiến tranh thương mại với Mỹ.

Bắc Kinh kiên quyết không nuốt thêm trái đắng, báo TQ đồng loạt ném đá Mỹ kịch liệt - Ảnh 1.

Ông Lưu Hạc cho biết đã có cuộc đối thoại "trung thực và mang tinh thần xây dựng" với các đại diện Mỹ Robert Lighthizer và Steven Mnuchin. Ảnh: EPA-EFE

"Ý tưởng rằng Trung Quốc không thể nào chịu đựng được thương chiến thật sự là một điều ảo tưởng và đánh giá sai lầm," tác giả bài viết cho hay.

"Nếu không bị khiêu khích nghiêm trọng, không người dân Trung Quốc nào muốn thương chiến xảy ra. Tuy nhiên, một khi bị dồn ép một cách quá đáng, thì Trung Quốc sẽ chịu đựng tất cả để bảo vệ chủ quyền, danh dự cũng như tất cả những quyền phát triển lâu dài của nhân dân Trung Quốc."

Ngày 12/5, tổng thống Trump mô tả rằng Mỹ đang có nhiều lợi thế hơn đối thủ.

"Chúng ta đang ở đúng nơi mà chúng ta muốn với Trung Quốc," ông Trump viết trên Twitter. Theo tổng thống Mỹ, những người Mỹ thường mua hàng Trung Quốc có thể mua các sản phẩm tương tự từ các nhà sản xuất nội địa hoặc từ các quốc gia khác.

Ông Trump cũng nhắc lại tuyên bố rằng Mỹ sẽ "lấy lại hàng chục tỉ USD nhờ thuế quan đánh vào Trung Quốc".

Tuy nhiên, trên thực tế, các thuế quan mà Mỹ thu về không phải do chính phủ Mỹ hay các công ty có trụ sở ở Trung Quốc chi trả. Đây là khoản tiền mà chính những nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc - thường là công ty Mỹ hoặc các đơn vị nước ngoài đăng ký ở Mỹ - bỏ tiền ra bù đắp.

Bắc Kinh kiên quyết không nuốt thêm trái đắng, báo TQ đồng loạt ném đá Mỹ kịch liệt - Ảnh 2.

Theo các báo cáo, người chịu thiệt lớn nhất từ thuế quan Mỹ chính là người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Reuters

Những chi phí này sau đó sẽ làm tăng giá hàng hóa và người chịu thiệt cuối cùng là khách hàng Mỹ - hầu hết là nhà sản xuất và người tiêu dùng ở Mỹ.

Ông Kudlow cho rằng "cả hai phía đều phải trả giá cho thương chiến". Tuy nhiên, ông nói thêm Mỹ sẽ đủ khả năng để chống chịu thiệt hại kinh tế.

"Chúng ta đang ở trong trạng thái hoàn hảo để chấn chỉnh lại hơn 20 năm giao dịch sai lầm với Trung Quốc. Đây là rủi ro chúng ta cần và có thể chấp nhận mà không làm tổn hại nền kinh tế của chúng ta dưới bất kì hình thức nào."

Thượng đỉnh G-20

Ông Kudlow cho biết "có khả năng rất cao" rằng ông Trump sẽ gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới đây.

Tuần trước, nhiều người hi vọng rằng ông Trump và ông Tập sẽ kí một thỏa thuận thương mại tại kì thượng đỉnh.

Tuy nhiên, các cuộc đối thoại thương mại đã bị trì hoãn khi Trung Quốc đề nghị đánh giá lại toàn bộ các thỏa thuận sơ bộ. Bắc Kinh muốn hủy cam kết rằng Trung Quốc sẽ thay đổi luật để áp dụng những chính sách mới về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như cưỡng đoạt chuyển giao công nghệ.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu Trung Quốc, đã tìm cách bảo vệ những thay đổi đó trong cuộc đối thoại với các quan chức cấp cao của Mỹ ở Washington, cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi chính sách đó thông qua nghị quyết được kí bởi Hội đồng Nhà nước.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từ chối, nói với ông Lưu rằng Mỹ nhất định muốn khôi phục các khoản đã được thỏa thuận trước đó.

"Chúng tôi muốn thấy những thay đổi đó trong pháp luật Trung Quốc, không phải chỉ qua thông báo của Hội đồng Nhà nước. Chúng tôi muốn thấy những thứ rõ ràng hơn. Và cho tới khi đó, thuế quan sẽ không được dỡ bỏ," ông Kudlow nói.

Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ các động thái thuế quan mới nhất của Mỹ, và sẽ tìm cách đối phó - ông Lưu nói.

Ông Trump đã yêu cầu ông Lighthizer bắt đầu áp các cấm vận đối với những loại hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Động thái này sẽ làm tăng thêm thuế quan với 300 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.

Nông dân Mỹ, chiếm đa số những người bỏ phiếu cho ông Trump, là những người chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc thương chiến. Năm ngoái, lượng đậu nành bán sang Trung Quốc đã giảm tới ngưỡng thấp nhất trong 16 năm vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại