Công ty Westinghouse Electric Co. (Mỹ) sẽ được trao hợp đồng xây dựng các lò phản ứng, lò phản ứng đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2033.
"Một liên minh Mỹ - Ba Lan mạnh mẽ sẽ đảm bảo sự thành công của các sáng kiến chung", Thủ tướng Morawiecki viết trên Twitter vào thứ Sáu, nói thêm rằng quyết định "sử dụng công nghệ an toàn, đáng tin cậy" của Westinghouse được đưa ra sau cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.
Công ty Năng lượng Thủy điện Hạt nhân Hàn Quốc cũng đã nộp hồ sơ đấu thầu cho dự án vào tháng 4. Ngoài ra, Warszawa còn thảo luận về dự án với các công ty Pháp.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng quyết định này là một "thỏa thuận lớn" vì nó sẽ "tạo nền móng cho sự phụ thuộc lẫn nhau về an ninh trong nhiều thập kỷ tới".
Việc Ba Lan lựa chọn Mỹ và Westinghouse đang gửi một thông điệp tới Nga “về sức mạnh và sự gắn kết của liên minh Mỹ - Ba Lan”, quan chức này nói.
Trước đó, vào thứ Sáu, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan Jakub Kumoch lập luận rằng Mỹ nên đóng quân vĩnh viễn và triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan. Ông bác bỏ hiệp ước NATO - Nga năm 1997, điều đang ngăn cản Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ba Lan, gọi đây là một bức thư chết.
Theo tầm nhìn của Warszawa về dự án năng lượng, sẽ có tổng cộng 6 lò phản ứng được xây dựng đến năm 2040, sản xuất 6-9 gigawatt điện. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp công nghệ, hỗ trợ quản lý và cấp vốn cho các nhà máy, đổi lấy 49% cổ phần.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Granholm và Westinghouse giới thiệu dự án như một cách để Ba Lan giảm lượng khí thải carbon và loại bỏ dần than đá.
Warszawa đã cắt nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào tháng 4, với lý do xung đột ở Ukraine. Một đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên từ Na Uy đã được khánh thành vào tháng 9, chỉ một ngày trước khi đường ống Nord Stream từ Nga đến Đức bị hư hại trong một hành động phá hoại mà chưa ai chính thức nhận trách nhiệm.