Mỹ giáng đòn đau vào Nga, cổ đông nước ngoài "chạy" khỏi dự án khủng: Kremlin lập tức lên tiếng

Duy Anh |

Báo Kommersant (Nga) cho biết, các cổ đông nước ngoài đã tạm dừng tham gia vào dự án Arctic LNG 2 của Nga.

Cổ đông tạm dừng hoạt động

Nhật báo kinh tế Kommersant (Nga) hôm 25/12 đưa tin, trích dẫn các nguồn tin chính phủ ẩn danh cho biết, các cổ đông nước ngoài đã đình chỉ tham gia vào dự án khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Arctic LNG 2 ở Bắc Cực của Nga do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với công ty và cá nhân Nga sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Vào tháng 11, Washington đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với LNG ở Bắc Cực. Động thái này nằm trong mục đích của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp rộng lớn hơn vào hoạt động sản xuất năng lượng và các lĩnh vực khác của Nga trong tương lai.

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các hạn chế tương tự đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga.

3083542a-d43b-4568-91f6-ddb33b529ae3.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin ở buổi ra mắt dự án Arctic LNG 2. Ảnh: AFP

Kommersant đưa tin rằng Tập đoàn TotalEnergie của Pháp, Tập đoàn Dầu mỏ Nhà nước (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) của Trung Quốc, cũng như Liên doanh Mitsui & Co và JOGMEC của Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng "bất khả kháng" đối với sự tham gia của họ trong dự án Arctic LNG 2.

Các công ty đang từ bỏ trách nhiệm tài trợ cho dự án, điều này có nguy cơ khiến nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Novatek của Nga phải tự mình tài trợ cho dự án Arctic LNG 2 trị giá 25 tỷ USD. Các công ty nước ngoài mỗi công ty có 10% cổ phần tại Arctic LNG 2, Novatek nắm giữ 60% cổ phần.

“Tình trạng bất khả kháng” của các tập đoàn nước ngoài cũng có thể khiến Arctic LNG 2 ở Bắc Cực mất đi các hợp đồng dài hạn về cung cấp khí đốt bằng đường biển.

Kommersant đưa tin rằng hoạt động sản xuất ban đầu của Arctic LNG 2 đã bắt đầu vào tuần trước và hiện sẽ bị giới hạn bán khoảng 2,6 triệu tấn LNG trên thị trường giao ngay sau khi các cổ đông nước ngoài dừng hoạt động.

TASS_49648198.jpg

Mỏ Utreneye - nguồn tài nguyên cho dự án Arctic LNG 2. Ảnh: Tass

Khó khăn của Nga

Nga đang hy vọng các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu, nhưng sự thiếu hụt tàu chở khí đốt và các lệnh trừng phạt đã cản trở kế hoạch của nước này, hãng tin Reuters dẫn nhận xét của các nhà phân tích và nguồn tin trong ngành cho biết.

Nga muốn tăng thị phần LNG trên toàn cầu của mình lên 20% vào năm 2030 từ mức 8% như hiện nay. Nhưng tình trạng hiện tại của dự án Arctic LNG 2 cho thấy những trở ngại mà Moscow phải đối mặt.

Nga lên tiếng

Trước các lệnh trừng phạt của phía Mỹ nhằm vào dự án Arctic LNG 2 khổng lồ ở Bắc Cực, Moscow cho biết đây là tình huống không thể chấp nhận được và sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng toàn cầu.

LB6CRNTPYJLARAAYD77ULHC3BY.jpg

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần hôm 27/12: “Chúng tôi coi những hành động như vậy là không thể chấp nhận được, đặc biệt liên quan đến các dự án thương mại quốc tế lớn như Arctic LNG 2, vốn ảnh hưởng đến cân bằng năng lượng của nhiều quốc gia”.

"Tình huống ở Arctic LNG 2 hiện tại một lần nữa chứng minh cho các hành động không thân thiện của Mỹ, làm ảnh hưởng tới an ninh kinh tế toàn cầu vì lợi ích của riêng mình. Mỹ đang cố gắng lật đổ đối thủ cạnh tranh và phá hủy an ninh năng lượng toàn cầu."

Bà Zakharova cũng cho biết sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, những công ty có liên quan trong dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng, sẽ tiếp tục được tăng cường, trong đó có cả lĩnh vực năng lượng.

Nga là nước sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển lớn thứ tư sau Mỹ, Qatar và Australia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại