Một công trình bí mật bên trong khu cảng biển của Trung Quốc gần thủ đô Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã buộc phải tạm dừng sau khi Mỹ gia tăng sức ép.
Theo hai quan chức Mỹ tiết lộ với CNN, ít nhất vào thời điểm hiện tại, công trình bí mật của Trung Quốc đã phải tạm dừng thi công, nhưng mối quan ngại an ninh liên quan tới sự hiện diện của Trung Quốc ở UAE vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Dự án tại cảng Khalifa trở thành đề tài nóng trong những tháng gần đây được giới quan chức cấp cao Mỹ nhiều lần nhắc tới. Thậm chí, dự án ở cảng Khalifa còn bị xem có nguy cơ khiến Mỹ hủy hợp đồng bán các tiêm kích tối tân cũng như nhiều vũ khí khác cho UAE.
“Chúng tôi đã thành công thuyết phục UAE cho dừng lại dự án. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để”, CNN dẫn lời một nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ.
Tờ Wall Street Journal là nguồn tin đầu tiên cho hay quá trình xây dựng công trình bí mật của Trung Quốc ở cảng Khalifa đã bị dừng.
Trong ít nhất một năm qua, các quan chức Mỹ đã theo dõi sát sao hoạt động xây dựng công trình mà họ xem là một căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm bên trong cảng thương mại Khalifa chỉ cách thủ đô Abu Dhabi của UAE hơn 80 km.
Hiện tại, Mỹ xem UAE là một đối tác quan trọng trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. UAE còn là nơi hoạt động của hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng quân ở căn cứ không quân Emirati cách thủ đô Abu Dhabi 32 km.
Trung Quốc và UAE khẳng định công trình xây dựng bên trong cảng Khalifa chỉ phục vụ mục đích thương mại đơn thuần. Tuy nhiên, giới tình báo Mỹ phát hiện nhiều tàu thuyền đóng giả làm tàu thương mại song lại là loại tàu mà quân đội Trung Quốc sử dụng để thu thập tín hiệu tình báo đã ra vào cảng Khalifa.
Cho tới nay, giới chức Mỹ vẫn bất đồng quan điểm về việc có thực sự UAE không biết về mục đích của Trung Quốc khi xây dựng công trình bí mật ở cảng Khalifa.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán UAE ở Washington nhấn mạnh, UAE “chưa bao giờ ký thỏa thuận, có kế hoạch, tiến hành đàm phán hoặc có ý định cho phép một căn cứ quân sự hoặc tiền đồn của Trung Quốc hoạt động ở UAE”.
Hiên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và đại sứ quán Trung Quốc đều từ chối đưa ra bình luận liên quan tới thông tin về công trình bí mật bị dừng thi công ở cảng Khalifa.
Trên thực tế, trong những năm qua, Trung Quốc đã cho phát triển nhiều cảng thương mại trên khắp thế giới. Các quan chức Mỹ nhận định đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng khả năng tiếp cận quân sự trên toàn cầu. Điển hình, Trung Quốc đã cho phát triển nhiều cảng thương mại ở Pakistan và Sri Lanka, cũng như xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia sừng châu Phi Djibouti vào năm 2017.
Cả chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đều tìm cách gia tăng sức ép buộc UAE ra quyết định dừng xây dựng công trình ở cảng Khalifa do tập đoàn đóng tàu quy mô lớn của Trung Quốc thực hiện.
Điển hình, trong chuyến thăm tới Trung Đông hồi tháng Sáu, các nghị sĩ cấp cao Mỹ đã đưa vấn đề ở cảng Khalifa ra bàn thảo với Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed.
Vào thời điểm đó, chia sẻ trên Twitter, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, người đứng đầu đảng Cộng hòa ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho hay ông đã thảo luận về “mối quan ngại đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Trung Đông” với ông bin Zayed.
Dù hoạt động xây dựng công trình bí mật tại cảng Khalifa đang bị dừng, nhưng các quan chức lo ngại sự hiện diện quy mô lớn của Trung Quốc ở UAE có thể khiến kế hoạch bán lô tiêm kích F-35, máy bay không người lái (UAV) Reaper, cùng các loại đạn có tổng trị giá 23 tỉ USD giữa Mỹ và UAE sẽ đổ bể, theo hai nguồn tin thân thiết với vấn đề cho hay.
Các quan chức Mỹ nhận định việc chính quyền của Tổng thống Biden có thể buộc cơ sở bí mật của Trung Quốc ở cảng Khalifa dừng thi công được xem là một chiến thắng ngoại giao của Washington trong quá trình cạnh tranh tầm ảnh hưởng toàn cầu với Bắc Kinh.
Hôm 16/11, chia sẻ với CNN, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mira Resnick nhấn mạnh Mỹ hiện vẫn là “đối tác được lựa chọn của các nước đồng minh trong khu vực”.
“Không một quốc gia cạnh tranh chiến lược nào có thể hoặc sẵn sàng đưa ra lời đề nghị như Mỹ. Các đối tác và đồng minh của Mỹ hoàn toàn nhận thức được điều này và đó là lý do tại sao họ vẫn kiên quyết chọn Mỹ”, bà Resnick nói.