Mỹ - EU "đình chiến" thương mại để cài đặt lại quan hệ

Thu Loan |

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua có cuộc gặp các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) để nhất trí một thoả thuận “đình chiến” cho tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương vì vấn đề bảo hộ cho ngành máy bay dây dưa suốt 17 năm qua.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Hội đồng châu Âu Charles Michel chụp ảnh chung trước thượng đỉnh Mỹ - EU ngày 15/6 Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Hội đồng châu Âu Charles Michel chụp ảnh chung trước thượng đỉnh Mỹ - EU ngày 15/6 Ảnh: Reuters

Tại cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ), ông Biden đặt mục tiêu cài đặt lại quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau 4 năm sóng gió dưới thời chính quyền ông Donald Trump, người đã tăng thuế lên hàng hóa của EU và ủng hộ việc Anh rời khỏi khối này.

Mỹ và EU sẽ bỏ tăng thuế đối với 11,5 tỷ USD hàng hóa của nhau, từ rượu vang của EU đến thuốc lá và rượu mạnh của Mỹ trong 5 năm. Trước đó, hai bên tăng thuế trả đũa nhau sau khi bất đồng vì chuyện hỗ trợ cho hãng máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.

“Tôi rất lạc quan rằng chúng tôi sẽ tìm ra một thỏa thuận cho vấn đề Airbus - Boeing trong cuộc trao đổi với những người bạn Mỹ hôm nay”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo. Ông Biden cũng có cuộc gặp với bà von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Trong cuộc họp báo trước đó tại Brussels vào cuối ngày 14/6, ông Biden tuyên bố với các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương(NATO) rằng “Mỹ đã trở lại”. Nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc.

Reuters dẫn dự thảo tuyên bố chung cho biết Washington và Brussels cũng cam kết chấm dứt tăng thuế đối với thép và nhôm của nhau. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã có cuộc gặp trực tiếp đồng cấp EU Valdis Dombrovskis trước hội nghị thượng đỉnh để hai bên thống nhất quan điểm.

Chấm dứt xung đột thương mại sẽ giúp cả hai bên có thời gian tập trung vào những vấn đề đáng bận tâm hơn như mô hình kinh tế dựa vào nhà nước ở Trung Quốc, các nhà ngoại giao cho biết.

NATO cho rằng Nga đang tăng cường những hành động nhằm vào các nước NATO, bằng cách cố gắng can thiệp bầu cử, gây sức ép về chính trị và kinh tế, phát tán thông tin sai lệch và tiến hành các hoạt động tấn công mạng. Tuy nhiên, Nga công khai phản đối các cáo buộc trên.

Nhà Trắng hôm qua cho biết Hội đồng thương mại và công nghệ chung Mỹ - EU sẽ được thành lập. Nhiệm vụ của hội đồng này sẽ là tìm ra tiêu chuẩn chung cho các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và công nghệ sinh học, cùng các vấn đề phối hợp bảo đảm tính liên tục của các chuỗi cung ứng.

Ông Biden cử Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Katherine Tai làm đồng chủ tịch của hội đồng này.

Xây dựng hình ảnh đoàn kết

Sau thượng đỉnh, EU và Mỹ dự kiến ra tuyên bố chung, nội dung được nhận định là sẽ tiếp nối tuyên bố chung của NATO đưa ra ngày 14/6, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc là một thách thức an ninh liên tục và cho rằng Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Đối với Nga, ông Biden từ khi lên nắm quyền đã nhiều lần thúc ép Tổng thống Vladimir Putin phải hành động để ngăn các vụ tấn công tin tặc bắt nguồn từ Nga nhằm vào các cơ quan chính phủ và công ty Mỹ. Cả hai ông Biden và Putin đều nói rằng quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp chưa từng thấy. Trong khi đó, EU với 27 thành viên đang chia rẽ sâu sắc trong quan điểm về Mátxcơva. Nga là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho EU và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều cuộc xung đột và vấn đề quốc tế, bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, xung đột ở Syria và Libya.

Các quan chức EU cho biết khối này hy vọng cuộc gặp của ông Biden với ông Putin sẽ mang lại kết quả tốt, và không ai ở Brussels muốn làm hỏng màn thể hiện đoàn kết quốc tế như đã được xây dựng ở thượng đỉnh G7 và NATO vừa diễn ra.

Tuy vậy, các lãnh đạo NATO trong tuyên bố chung cũng nặng lời với Nga, chỉ trích các hoạt động quân sự căng thẳng và tập trận gần biên giới các quốc gia thành viên NATO, đồng thời tố các máy bay Nga thường xuyên vi phạm không phận của 30 nước NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại