Mỹ đứng trước sức ép phải tăng cường hỏa lực cho Ukraine

Hoàng Phạm |

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực phải cung cấp thêm nhiều hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ cho Ukraine trong bối cảnh Kiev đang ở vào thời điểm quan trọng trên chiến trường trong cuộc xung đột với Nga.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Khi các lực lượng Ukraine giao chiến với quân đội Nga để giành quyền kiểm soát khu vực Donbass và tìm cách kết thúc chiến tranh trong năm nay, họ cần có thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, cũng như hệ thống cảnh báo sớm, đạn dược và các trang thiết bị khác.

Các quan chức quốc phòng và các chuyên gia đều cho rằng, việc tăng cường và đẩy mạnh tốc độ viện trợ sát thương có thể giúp Ukraine kết thúc cuộc xung đột nhanh hơn. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, việc tăng cường và tăng tốc viện trợ quân sự có thực tế hay không vẫn là điều gây tranh cãi.

Ukraine cần nhiều vũ khí hơn để sớm kết thúc xung đột

Mỹ cùng các đồng minh và đối tác châu Âu đã cố gắng duy trì nhịp độ khi Ukraine đề nghị cung cấp nhiều vũ khí hơn. Chỉ riêng Mỹ, tính đến tuần qua, đã viện trợ sát thương 7,3 tỷ USD cho Kiev.

Gói viện trợ 400 triệu USD gần đây nhất, được công bố vào tuần trước, bao gồm 4 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Các hệ thống gắn trên xe tải có thể sử dụng nhiều loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh, cho phép Ukraine bắn trúng mục tiêu chính xác hơn ở cự ly hơn 60km - xa hơn bất kỳ hệ thống pháo nào mà Ukraine được cung cấp trước đây.

Các hệ thống HIMARS đã tăng cường sức mạnh cho lực lượng Ukraine trong các cuộc giao tranh. Vài tháng qua, Ukraine tập trung vào việc giành quyền kiểm soát khu vực phía Đông nhưng gặp bế tắc trong khi Nga đạt được những bước tiến nhỏ.

Các hệ thống tên lửa của Mỹ giúp giải quyết được tình trạng bế tắc này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cuối tuần trước tuyên bố trên Twitter rằng việc triển khai HIMARS đã “tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường”.

“Thêm nhiều hệ thống tương tự cùng đạn dược và thiết bị sẽ giúp gia tăng sức mạnh của chúng tôi”, ông Reznikov nhấn mạnh thêm.

Theo các phương tiện truyền thông, Ukraine đã sử dụng hệ thống HIMARS để tấn công khoảng 20 kho đạn dược của Nga kể từ khi có được hệ thống này trong vài tuần qua. Điều đó cho thấy HIMARS đang hoạt động hiệu quả trong chiến đấu.

Mặc dù 4 hệ thống HIMARS hiện đang được Ukraine sử dụng và 4 hệ thống nữa dự kiến sẽ được đưa tới Ukraine trong tháng này, nhưng như vậy vẫn ít hơn rất nhiều so với con số 300 bệ phóng tên lửa đa nòng mà giới chức Ukraine nói rằng họ cần có để đối phó với lực lượng Nga.

Hơn nữa, các phía Nga có khả năng nã đạn pháo gấp nhiều lần so với Ukraine, khiến cuộc chiến luôn ở trong tình trạng tiêu hao ở Donbass - trung tâm công nghiệp của Ukraine.

Lý do Mỹ chần chừ

Theo ông Mark Cancian, một cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chính quyền Tổng thống Biden đã đình chỉ việc gửi một lượng lớn hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ cùng với các thiết bị công nghệ cao khác. Phía Mỹ lo ngại lực lượng Ukraine khó có thể vận hành và bảo trì các hệ thống này vì nó quá phức tạp

Việc huấn luyện sử dụng các hệ thống như vậy thường kéo dài vài tháng nhưng đã bị rút ngắn xuống còn 3 tuần đối với Ukraine.

“Tôi nghĩ chính quyền Mỹ không muốn gửi thiết bị đi trước khi lực lượng Ukraine sẵn sàng bảo trì và vận hành,” ông Cancian nói với The Hill.

Theo ông Cancian, Mỹ cũng lo ngại nếu các thiết bị được đưa vào hoạt động quá nhanh chóng với tần suất cao, chúng sẽ không thể được bảo trì.

Mặt khác, theo cựu Tư lệnh Tối cao đã nghỉ hưu của NATO, Tướng Wesley Clark, ngay cả khi phương Tây thực hiện đầy đủ các cam kết, phía Ukraine vẫn không có đủ vũ khí để sớm kết thúc xung đột với Nga bởi Moscow có thể sử dụng lực lượng dự bị để phá thế bế tắc ở Donbass.

“Với lực lượng dự bị của Nga đang được hình thành, có thể sẽ có một bước đột phá chiến lược. Đột phá này có thể là yếu tố khiến quân đội Ukraine bị đánh bại ở Donbass”, ông Clark nhận định với CNN.

Cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm

Ông Clark cũng cho rằng, thời gian đứng về phía Nga. Ông dự đoán Moscow có thể chiến đấu trong một thời gian rất dài, vì xung đột với Ukraine không thể làm suy yếu lực lượng của Nga trong 1 năm.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 6 cũng cho rằng, liên minh quân sự cần phải chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài trong “nhiều năm”. Ông cũng nhận định, nếu được chuyển nhiều vũ khí hiện đại hơn, Ukraine sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy lực lượng Nga khỏi Donbass.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ký một đạo luật cho phép chính phủ nước này áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt để hỗ trợ các lực lượng của Moscow trong quá trình “chống khủng bố và các hoạt động khác”.

Trong khi đó, sau gần 5 tháng xung đột, rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện giữa Mỹ và các đối tác châu Âu khi các quốc gia bị ảnh hưởng bởi áp lực và khủng hoảng trong nước, bao gồm lạm phát và giá năng lượng, lo ngại về suy thoái và áp lực chính trị.

Các nhà quan sát khu vực cảnh báo, một cuộc chiến tranh tiêu hao ở Ukraine có thể khiến thế giới không còn tập trung vào việc hỗ trợ Kiev./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại