“Nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tới sát Nga, chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ quốc gia mình. Giờ là lúc chúng ta tụ họp ở Geneva, hoặc ở Moscow, hoặc ở Washington để bàn luận về vấn đề này một cách nghiêm túc”, Sputnik dẫn lời đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov phát biểu tại hội thảo Đối thoại Fort Ross.
Ông Antonov một lần nữa nhắc lại đề xuất gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tạm dừng triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu và các khu vực khác.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các nước NATO tham gia tạm dừng triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Nga không muốn tham gia vào cuộc đua vũ trang”, ông Antonov nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Antonov cũng khẳng định không có chuyện Nga – Mỹ rơi vào cuộc chiến hạt nhân trong tương lai gần.
“Tôi hoàn toàn không đồng tình với những người cho rằng, một cuộc chiến hạt nhân sắp xảy ra. Chúng tôi hoàn toàn muốn tránh khỏi cuộc chiến này. Đó là lý do tại sao chúng tôi xem việc nối lại tất cả các kênh liên lạc là điều quan trọng”, ông Antonov chia sẻ.
Đại sứ Nga tại Mỹ cũng kêu gọi mở rộng Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) do Moscow lo ngại về tình hình ổn định chiến lược.
“Việc kéo dài hiệp ước New START là rất đơn giản. Nếu Mỹ cũng giống như Nga có chung mối quan tâm về sự ổn định chiến lược, đây là thời điểm để chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ chờ phản ứng tích cực từ phía Mỹ”, ông Antonov nói thêm.
Hồi tháng Chín, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov từng nhấn mạnh rằng, Nga tin hiệp ước New START cần được mở rộng để ít nhất là duy trì một số cơ chế giúp bảo đảm sự ổn định chiến lược.
“Hiện nay, Nga – Mỹ chỉ còn một thỏa thuận duy nhất là New START. Vào tháng 2/2021, hiệp ước này sẽ hết thời hạn thi hành. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 50 năm Nga – Mỹ không có bất cứ một hiệp ước chung nào”, ông Antonov cho biết.
Trước đó, vào tháng Tám, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) . Đây là hiệp ước được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết năm 1987. INF cấm các nước thành viên phát triển các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.