Mỹ đua với Trung Quốc giành lại vị thế ở Thái Bình Dương

Xuân Mai |

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29-9 cho rằng an ninh của Mỹ và thế giới phụ thuộc vào an ninh trong khu vực Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29-9 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29-9 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương lần đầu tiên trong tuần này, sự kiện kéo dài từ ngày 28 đến 29-9 ở Washington (giờ địa phương). Hội nghị nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nước Thái Bình Dương trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực này.

Chính quyền ông Biden đã đưa ra sáng kiến ​​ngoại giao "Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương" tại hội nghị. Trong bài phát biểu hôm 29-9 trước các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, ông Biden nói rằng: "Phần lớn lịch sử của thế giới chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm và thập kỷ tới. Các hòn đảo ở Thái Bình Dương có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai đó. Đó là lý do chính quyền tôi ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với quốc gia khu vực".

Theo tờ Politico, nội dung và thời điểm đưa ra sáng kiến ​​trên phản ánh sự thừa nhận của chính quyền Mỹ đối với những nguy cơ địa chiến lược ở một khu vực mà Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của chính quyền Mỹ sẽ là thuyết phục các quốc đảo Thái Bình Dương tin rằng chiến lược phản ánh cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, thay vì lo sợ tạm thời về những ý định của chính quyền Bắc Kinh.

Theo đài CNN, Nhà Trắng trước đó cho biết Mỹ đã trực tiếp cung cấp hơn 1,5 tỉ USD để hỗ trợ các quần đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ qua và đã công bố hơn 810 triệu USD bổ sung cho các chương trình mở rộng.

Nhà Trắng đưa ra tuyên bố 9 điểm nêu rõ các cam kết, trong đó tập trung vào hỗ trợ quan hệ đối tác Mỹ - Thái Bình Dương, xây dựng năng lực của Mỹ trong khu vực, phối hợp với các đồng minh và đối tác, khí hậu, kinh tế, an ninh và hợp tác hàng hải, an ninh mạng và kết nối, phòng dịch COVID và an ninh y tế và giải quyết các di sản chiến tranh.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho hay hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết "những thách thức khó khăn nhất của Thái Bình Dương" bao gồm biến đổi khí hậu, các mối quan tâm về sức khỏe, đào tạo giáo dục, việc làm, các thách thức liên quan đến phục hồi từ sau đại dịch COVID và đánh bắt quá mức. Nhà Trắng đã hợp tác chặt chẽ trong những tháng qua với Úc, New Zealand, Nhật Bản, Anh và những nước khác về các vấn đề này.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng quan hệ với các nước ở Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Chính quyền Bắc Kinh đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào tháng 4, cam kết hợp tác trong lĩnh vực thương mại và giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại