Tiết lộ trên được đưa ra sau khi Mỹ lần đầu tiên trừng phạt một công ty Trung Quốc do có hoạt động thương mại liên quan tới chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Phát biểu ngày 28/9 trong phiên điều trần tại Thượng viện, điều phối viên chính sách trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Daniel Fried cho biết cơ quan này đang giám sát một loạt các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo ông, quyết định trừng phạt mới đây cho thấy Washington sẵn sàng trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc.
Quan chức ngoại giao này cũng cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu chính Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt này. Ông Fried cảnh báo các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc cần hiểu việc giao dịch với các đối tác Triều Tiên, đặc biệt những đối tượng bị trừng phạt, là việc làm nguy hiểm.
Cũng trong buổi điều trần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết mặc dù Trung Quốc đã chấp nhận các biện pháp trừng phạt mạnh tay của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên hồi tháng Ba, vẫn còn nghiều điều phải làm để đảm bảo việc thực thi hợp lý các lệnh trừng phạt hiện này.
Trước đó, ngày 26/9, Mỹ thông báo đã liệt một công ty Hồng Tường Đan Đông (Hongxiang Dandong) của Trung Quốc và bốn cá nhân là các thành viên cấp cao của công ty này vào danh sách trừng phạt vì đã "sử dụng một mạng lưới trái phép hỗ trợ chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên."
Bộ trên cũng cho đóng băng 25 tài khoản ngân hàng do Hồng Tường Đan Đông kiểm soát với cáo buộc "liên quan tới hoạt động rửa tiền." Đây là lần đầu tiên Washington trừng phạt mạnh tay như vậy với một doanh nghiệp Trung Quốc.
Động thái trên của Mỹ được đưa ra một tuần sau khi Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như trên các kênh thực thi pháp luật, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào ngày 9/9 vừa qua.
Tuy nhiên, sau quyết định trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đã tuyên bố phản đối việc bất kỳ quốc gia nào sử dụng luật pháp riêng để mở rộng thẩm quyền ra các nước khác./.