Mỹ “để không” hàng chục triệu liều vaccine trong khi thế giới đang khan hiếm

Hoàng Phạm |

Hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đang “để không” tại Mỹ để chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng, trong khi những nước đã phê duyệt loại vaccine này lại đang tìm mọi cách để có.

Mỹ có thể sẽ sở hữu hơn 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay. Con số này còn nhiều hơn đáng kể so với con số cần thiết để tiêm chủng cho 260 triệu người trưởng thành ở Mỹ. Ảnh: Getty

Mỹ có thể sẽ sở hữu hơn 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay. Con số này còn nhiều hơn đáng kể so với con số cần thiết để tiêm chủng cho 260 triệu người trưởng thành ở Mỹ. Ảnh: Getty

Hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca đang “để không” tại các cơ sở sản xuất ở Mỹ, chờ kết quả từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Trong khi những nước đã phê duyệt loại vaccine này lại đang tìm mọi cách để có.

Mỹ “để không” hàng chục triệu liều vaccine trong khi thế giới đang khan hiếm - Ảnh 1.

Hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đang “để không” tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Số phận của những liều vaccine của AstraZeneca sẽ phụ thuộc vào các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng và các quan chức y tế liên bang. Một số quan chức kêu gọi chính quyền nên để những liều vaccine này ra nước ngoài, nơi chúng thực sự được cần đến, trong khi một số quan chức tại Mỹ lại không muốn “buông” những liều vaccine của AstraZeneca.

“Chúng tôi biết một số nước có thể đã tìm tới chính phủ Mỹ để hỏi về việc tài trợ vaccine AstraZeneca, và chúng tôi cũng đã đề nghị chính phủ Mỹ cân nhắc một cách thấu đáo các đề nghị này”, Gonzalo Vina, người ngát ngôn của AstraZeneca cho biết.

Khoảng 30 triệu liều đang được đóng chai tại cơ sở của AstraZeneca ở Tây Chester, Ohio, nơi phụ trách “khâu cuối cùng” trong quá trình sản xuất, trong đó vaccine sẽ được đóng vào những chiếc lọ nhỏ.

Hàng chục triệu liều khác cũng được Emergent BioSolutions - một công ty ở Maryland mà AstraZeneca đã ký hợp đồng sản xuất vaccine ở Mỹ, đưa vào các chai nhỏ và đóng hộp.

Vaccine “để không” vì chưa được Mỹ phê duyệt

Theo người phát ngôn AstraZeneca, dù vaccine của công ty này đã được cấp phép ở hơn 70 nước, nhưng các thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ lại chưa thông báo kết quả và công ty này vẫn chưa nộp đơn lên Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.

AstraZeneca đã đề nghị chính quyền Biden để họ cho Liên minh châu Âu (EU) “vay” các liều vaccine của Mỹ. Hiện EU đang thiếu nguồn cung vaccine trong khi chiến dịch tiêm chủng đang gặp nhiều khó khăn.

Một số quan chức liên bang đã hối thúc Nhà Trắng đưa ra quyết định trong một vài tuần tới. Các quan chức cũng đã thảo luận việc gửi các liều vaccine này đến Brazil – nước cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, hoặc EU hay Anh.

“Nếu việc tài trợ các liều vaccine này được xúc tiến, chúng tôi sẽ xin hướng dẫn từ chính phủ Mỹ về việc thay thế các liều vaccine khác để sử dụng ở Mỹ”, ông Vina cho biết.

Tháng 5/2020, chính quyền Tổng thống Trump đã cam kết dành 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca cho việc phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và để cung cấp cho Mỹ 300 triệu liều nếu loại vaccine này chứng minh được hiệu quả.

Các quan chức liên bang cùng các chuyên gia y tế Mỹ năm 2020 cũng từng đánh giá tích cực về vaccine của AstraZeneca, vốn có giá thành rẻ hơn và dễ bảo quản trong thời gian dài hơn so với các loại vaccine khác. Loại vaccine này được kỳ vọng sẽ là một trong những loại vaccine đầu tiên được cấp phép ở Mỹ.

Tuy nhiên, điều đó lại chưa từng xảy ra. Mùa thu năm ngoái, thử nghiệm của AstraZeneca ở Mỹ đã bị hoãn gần 7 tuần vì công ty này chậm trễ cung cấp bằng chứng cho FDA chứng minh loại vaccine này không gây ra các tác dụng phụ về thần kinh ở 2 tình nguyện viên.

Công ty này đang gặp phải những vấn đề về an toàn khác. Để đề phòng, giới chức y tế Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã dừng sử dụng vaccine AstraZeneca ngày 11/3 sau khi châu Âu ghi nhận một số trường hợp bị đông máu.

AstraZeneca cũng vấp phải một số vấn đề khác khi vaccine được đưa vào sử dụng. Việc thiếu nguồn cung đã châm ngòi căng thẳng với châu Âu. Người dân ở Đức và một số nước khác ngại ngần tiêm loại vaccine này vì sợ rằng nó chỉ đứng hàng thứ hai do hiệu quả nói chung trong các thử nghiệm lâm sàng thấp hơn so với vaccine của Pfizer.

Nam Phi tháng trước cũng dừng kế hoạch tiêm chủng vaccine AstraZeneca sau khi một thử nghiệm lâm sàng nhỏ cho thấy vaccine này không bảo vệ được người tiêm trước các triệu chứng nhẹ đến vừa do biến thể SARS-CoV-2 phát hiện nước này gây ra.

Ở Mỹ, việc chính quyền Tổng thống Biden tìm cách đặt hàng thêm 3 loại vaccine đã được FDA phê duyệt lại càng khiến ứng cử viên của AstraZeneca bị gạt sang một bên. Mỹ có thể sẽ ít, thậm chí chẳng bao giờ cần đến các liều vaccine của AstraZeneca nếu chúng được phê duyệt khẩn cấp.

“Nếu chúng ta có dư, chúng ta sẽ chia sẻ với phần còn lại của thế giới. Nhưng chúng ta sẽ phải chắc chắn người dân Mỹ được chăm sóc trước tiên”, ông Biden nói với phóng viên ngày 10/3.

Mỹ không muốn “cho vay” vaccine

Vaccine của Johnson & Johnson đã được cấp phép ở Mỹ. Hãng này cũng đã đề nghị Mỹ cho EU “vay” 10 triệu liều vaccine, nhưng chính quyền Biden cũng đã từ chối đề nghị này, theo giới chức cả Mỹ và châu Âu.

Khi được hỏi ngày 11/3 về nguồn cung vaccine AstraZeneca của Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng các nhà sản xuất vaccine được tự do xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Mỹ của mình nhưng cũng phải thực hiện các điều khoản hợp đồng của họ với chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, do vaccine AstraZeneca được sản xuất theo Đạo luật sản xuất quốc phòng, việc đưa các liều vaccine này ra nước ngoài sẽ phải được Tổng thống Biden phải phê duyệt.

Trong khi đó, các nhà quản lý ở Mỹ vẫn đang chờ dữ liệu mới của AstraZeneca từ cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 với 32.000 người tham gia, chủ yếu ở Mỹ. AstraZeneca nhiều khả năng không thông báo sớm kết quả tổng quan ban đầu của các cuộc thử nghiệm, mà sẽ chờ thêm các kết quả có ý nghĩa hơn sau khi các tình nguyện viên đã được theo dõi lâu hơn về tác dụng phụ của vaccine. Nhưng như vậy, vaccine của AstraZeneca sẽ vẫn gặp bất lợi trước các loại vaccine khác đã được cấp phép ở Mỹ. Vaccine của Johnson & Johnson dễ phân phối và bảo vệ được trước các triệu chứng nặng và nguy cơ nhập viện. Các loại vaccine 2 liều của Pfizer-BioNTech và Moderna thì có hiệu quả tới 95%.

Giới chức liên bang cũng đã nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận rằng, vaccine của AstraZeneca không nên để lưu trữ vô hạn định ở Ohio hay Maryland. Vì cũng như các loại vaccine khác, vaccine của AstraZeneca chỉ có hạn sử dụng nhất định. Vaccine phải được bảo quản trong tủ lạnh 6 tháng và có thể bị hỏng nếu để quá lâu.

Với các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden về việc đẩy mạnh sản xuất vaccine, Mỹ có thể sẽ sở hữu hơn 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay. Con số này còn nhiều hơn đáng kể so với con số cần thiết để tiêm chủng cho 260 triệu người trưởng thành ở Mỹ hoặc thậm chí toàn bộ dân số Mỹ, nếu trẻ em và thanh thiếu niên phù hợp với các loại vaccine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại