Mỹ ‘đáp trả’ cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở Biển Đông

Minh Thu |

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho hay, hải quân Mỹ đã điều động hai tàu sân bay tới Biển Đông để tiến hành tập trận, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tổ chức diễn tập trên vùng biển chiến lược.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho hay, hải quân Mỹ đã điều động hai tàu sân bay tới Biển Đông để tiến hành tập trận, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tổ chức diễn tập trên vùng biển chiến lược.

Theo Thiếu tướng George Wikoff, hai tàu sân bay là USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng 4 chiến hạm khác tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 4/7. Tuy nhiên, vị trí chính xác nhóm tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông không được công bố.

"Mục đích của cuộc tập trận là nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định ở khu vực", Tướng Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cho hay.

Hoạt động của hải quân Mỹ trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài 5 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) bắt đầu từ hôm 1/7.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc khi cho rằng “việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là đi ngược lại với những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng và duy trì sự ổn định”.

“Các cuộc tập trận này là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi lý từ phía Trung Quốc và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ ‘đáp trả’ cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Mỹ điều động hai tàu sân bay tới “đáp trả” cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: Wall Street Journal)

Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hành động của Trung Quốc “đã đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông và tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa mà ở đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, tự do khỏi sự bắt nạt, cũng như có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế khi tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế”.

Hôm 2/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam phản đối những hoạt động sai phạm của Trung Quốc tại Biển Đông và đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, hành động này đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại quy tắc ứng xử ở Biển Đông, việc duy trì hợp tác giữa Biển Đông.

"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh, cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động “khiêu khích lớn”.

Song chia sẻ với Wall Street Journal, Tướng Wikoff nhận định cuộc tập trận của hải quân Mỹ không mang chỉ có là phản ứng trước đợt diễn tập của hải quân Trung Quốc, mà nói rộng hơn là phản ứng trước việc Trung Quốc liên tiếp có hành động khiêu khích quân sự.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động đáp trả những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc.

Theo số liệu của Viện Minh bạch Hàng hải châu Á, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa trái phép trên 27 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đây là một phần trong nỗ lực bành trướng và mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thậm chí, Trung Quốc còn đưa ra yêu cầu phi lý khi đòi hỏi tàu chiến các nước phải thông báo trước và nhận được sự cho phép mới có thể hoạt động trong khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại