Nếu bạn sống ở Mỹ, biết lái xe và đang rảnh rỗi, hãy thử cân nhắc công việc này. Chính phủ Mỹ đang tuyển dụng "Nhân viên chuyển phát vật liệu hạt nhân", với những yêu cầu thông thường cho một vị trí lái xe tải đường dài: lái xe 18 bánh khoảng 3 tuần mỗi tháng, đi qua 48 tiểu bang liền kề. Rủi ro bao gồm thời tiết khắc nghiệt, di chuyển ngày đêm và các điều kiện môi trường bất lợi.
Nhưng quan trọng nhất: Ưu tiên ứng viên "có kinh nghiệm trong các công việc an ninh vũ trang chiến lược với mức độ rủi ro cao và... đối phó với thế lực thù địch".
Lực lượng này bắt đầu hoạt động từ những năm 1950, hầu hết là cựu quân nhân, chịu trách nhiệm vận chuyển hơn 6.800 đầu đạn và nguyên vật liệu hạt nhân giữa các cơ sở trên khắp nước Mỹ. Ngày nay, việc vận chuyển này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống xe rơ-moóc tỷ đô của hãng Lockheed Martin, còn được biết đến với tên gọi Safeguard Transporters (SGTs, tạm dịch Vận chuyển An toàn) và Safe Secure Trailers (SSTs, tạm dịch Rơ-moóc Bảo đảm An toàn). Nhưng từ những năm 1950 đến 1980, có một hệ thống vận chuyển khác được gọi là White Trains - những đoàn tàu trắng.
Thời đại của "những đoàn tàu trắng"
White Trains được các chuyên gia hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh đánh giá là phương thức vận chuyển an toàn nhất cho các nguyên vật liệu vũ khí nhạy cảm. Thoạt nhìn, những chiếc tàu này không khác xe lửa bình thường, trừ một vài chi tiết quan trọng: những toa chở súc vật bọc thép kẹp giữa những "tháp pháo" có lính canh được trang bị vũ khí, luôn sẵn sàng nổ súng để bảo vệ đoàn tàu. Theo cách gọi của Bộ Năng lượng - "Xe lửa Bảo đảm An toàn" (SSRs - safe, secure railcars), White Trains có khả năng chống tấn công và xâm nhập trái phép rất cao. Chúng còn cung cấp "khả năng bảo vệ hàng hóa cao độ trong trường hợp có hỏa hoạn hay tai nạn nghiêm trọng", Bộ Năng lượng khẳng định trong một Hội nghị cảnh giác vào năm 1979.
Toa xe bọc thép vận chuyển vũ khí hạt nhân và đầu máy xe lửa White Trains. (Ảnh: Martin Miller)
Mặc dù được vũ trang đầy đủ như trong một bộ phim hành động, White Trains lại di chuyển khá chậm, tối đa 56km/h. Một trong những lộ trình phổ biến nhất là từ Texas đến Bangor (Washington), đưa bom hạt nhân đến một căn cứ tàu ngầm ở vịnh Puget Sound. Một tuyến đường thường xuyên khác là từ Texas đến Charleston (Nam Carolina), nơi có một đội tàu ngầm sẵn sàng cho các nhiệm vụ ở Đại Tây Dương.
Trung tâm của những đoàn tàu này nằm ở Pantex Plant, cách trung tâm Amarillo (Texas) khoảng 27km, một khu phức hợp như mê cung với hàng chục tòa nhà nằm trên 40.000km vuông. Amarillo là điểm đến cuối cùng của hầu hết các chuyến tàu hạt nhân. Pantex Plant là nhà máy lắp ráp vũ khí hạt nhân duy nhất trên toàn nước Mỹ. Vai trò này vẫn còn duy trì đến tận ngày nay.
Trung tâm Pantex Plant ở gần Amarillo, Texas, 1996. (Ảnh: Remi Benali/Liaison)
Pantex Plant được xây dựng năm 1941 để phục vụ cho Thế chiến thứ hai và được cải tạo năm 1951, với vai trò mới trong Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Internet)
Mỗi ngày đều có các đoàn tàu và xe chạy vào, mang plutonim từ Georgia và Washington, bộ phận kích hoạt bom từ Colorado, uranium từ Tennessee và máy phát neutron từ Florida. Những đoàn tàu trắng quay trở ra, mang theo vũ khí hạt nhân đã được lắp ráp hoàn chỉnh.
Vũ khí được lắp ráp tại Pantex năm 1944. (Ảnh: Internet)
Những đoàn tàu này lặng lẽ lăn bánh dọc chiều dài nước Mỹ suốt 30 năm, một dự án tuyệt mật với hồ sơ theo dõi hoàn hảo. Tuy nhiên, ngày nay, White Trains chỉ còn nằm trong bãi đồng nát hay một viện bảo tàng bởi những phong trào phản đối chiến tranh hạt nhân bùng nổ trong những năm 1980.
Một chiếc "tàu trắng" trong Bảo tàng Đường sắt Amarillo. (Ảnh: DOn Barrett/Flickr Creative Commons/CC BY-NC-ND 2.0)
Vì sao Mỹ từ bỏ White Trains?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại vị, Tổng thống Reagan đã tăng bốn lần chi phí quốc phòng và tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng sức mạnh hạt nhân để chống lại Liên Xô nếu cần thiết. Khi số thành phố có liên quan đến sự phát triển hạt nhân ngày càng tăng, người Mỹ bắt đầu bày tỏ lo ngại về những nguyên vật liệu nguy hiểm đang được vận chuyển lén lút ngay tại nơi họ sống.
Jim và Shelly Douglass sở hữu một căn nhà ở Washington, nhìn ra căn cứ tàu ngầm hải quân Bangor, nơi họ mỗi ngày đều chứng kiến cảnh tượng những chiếc tàu trắng ra vào căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt này. Với sự trợ giúp của Trung tâm hành động bất bạo động Ground Zero, họ đã khởi xướng một phong trào ngăn chặn White Trains. Mạng lưới thông tin được hình thành trên khắp nước Mỹ, những đêm cầu nguyện và biểu tình ôn hòa diễn ra dọc theo các tuyến đường tàu chạy. Trong phong trào này, một nữ tu đã mạnh dạn đứng trên đường ray để chặn một chiếc tàu, buộc nó phải dừng lại trước khi suýt đâm vào bà. Thậm chí vào năm 1985, có 146 người đã bị bắt và 20 nhà hoạt động bị đưa ra xét xử. Thế nhưng, bồi thẩm đoàn ở Washington đã đưa ra phán quyết vô tội. Các quan chức quận cũng đã tuyên bố họ sẽ không bắt thêm người nào tham gia phong trào này.
Trước làn sóng chống đối, Bộ Năng lượng đã đưa ra nhiều đề xuất để hạn chế sự nhận diện của White Trains: điều chỉnh lộ trình, thay đổi màu sắc, thậm chí đưa ra những quy định mới khiến cho việc truyền bá thông tin về lộ trình của White Trains trở thành hành vi phạm pháp, nhưng không mấy tác dụng. Cuối cùng, White Trains buộc phải ngừng hoạt động.
Từ đó, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng SGTs để vận chuyển nguyên vật liệu hạt nhân. Bộ Năng lượng bày tỏ sự tin tưởng rằng một hệ thống xe tải sẽ dễ che giấu hơn và cung cấp giải pháp thiết thực để tiếp cận với nhiều cơ sở hạt nhân cách xa đường ray xe lửa.
Một chiếc xe tải đặc biệt dùng để vận chuyển vũ khí hạt nhân ở Pantext Plant tháng 3/1996. (Ảnh: Remi Benali/Liaison)
Tương lai của Đường sắt hạt nhân
Dù White Trains đã "nghỉ hưu" lặng lẽ vào năm 1987, Bộ Năng lượng vẫn không từ bỏ hi vọng sử dụng đường sắt trong việc thử nghiệm các biện pháp an ninh quốc gia. Năm 1986, Tổng thống Reagan phê duyệt một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ đường sắt, một sáng kiến được biết đến với tên gọi Người giữ hòa bình Rail Garrison. Kế hoạch này bao gồm 25 chiếc tàu chở hai mảnh tên lửa đậu tại các căn cứ quân sự trên toàn nước Mỹ. Trong trường hợp Liên Xô có động thái kích động, các đầu máy sẽ di chuyển vào mạng lưới đường sắt quốc gia và sẵn sàng phóng tên lửa ngay từ trên tàu. Với hệ thống đường sắt quốc gia dày đặc tại thời điểm đó, các đại diện quân sự khẳng định kế hoạch này sẽ khiến Liên Xô gần như không thể định vị được các toa tàu chở mảnh tên lửa. "Rail-Garrison sẽ là trụ cột trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng ta vào thế kỷ 21", một Thượng nghị sĩ tại Texas đã dự đoán.
Chiến tranh Lạnh kết thúc trước khi có tên lửa nào kịp khai hỏa. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Mỹ bắt đầu cho ngừng hoạt động phần lớn kho vũ khí hạt nhân và cả các dự án thử nghiệm tốn kém như Rail Garrison.
SGT - Xe tải vận chuyển nguyên vật liệu hạt nhân tại Mỹ. (Ảnh: Internet)
Những chiếc SGT không thay đổi nhiều theo thời gian. (Ảnh: Internet)
Ngày nay việc vận chuyển nguyên vật liệu hạt nhân đang được giám sát bởi Văn phòng Vận tải An toàn (OST – Office of Secure Transportation). Nhưng một phóng sự điều tra của Thời báo Los Angeles cho thấy nhiều vấn đề tiềm ẩn: OST thiếu nhân sự, với tỉ lệ thay người cực kỳ cao. Một cuộc điều tra của Bộ Năng lượng năm 2010 còn phát hiện ra "tệ nạn rượu bia đang lan rộng" trong nội bộ cơ quan, bao gồm những sự cố xuất hiện khi đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển an toàn. Bộ Năng lượng thừa nhận rằng những sự cố này "cho thấy một lỗ hổng tiềm tàng trong nhiệm vụ an ninh quốc gia quan trọng của OST".
Bên cạnh những kế hoạch cải tiến kho hạt nhân, còn có vấn đề quan trọng hơn là chất thải hạt nhân, mà cụ thể hơn là lượng plutonium dư thừa (phần lớn vẫn đang ở Pantex) cần được chuyển đến các cơ sở xử lý an toàn trong những năm tới.
Dù là chất thải hay vũ khí, tàu lửa hay xe tải, nước Mỹ đã rất may mắn khi không phát sinh sự cố vận chuyển hạt nhân nào trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại của người dân rằng liệu việc vận chuyển nguyên vật liệu hạt nhân như vậy có thật sự "an toàn". "Chúng tôi đã vận chuyển những thứ này từ thời Chiến tranh Lạnh và chưa từng có tai nạn nghiêm trọng nào", theo lời Tiến sĩ Robert Rosner - Nguyên Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne. "Tuy nhiên hệ thống này phụ thuộc vào mức độ bảo mật. Nếu có tai nạn, tấm màn bí mật đó sẽ bị tháo xuống".
Theo History