Về phần Điện Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov nói Tổng thống Putin sẽ phản đối bất cứ động thái nào nhằm đưa Ukraine vào liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dự kiến diễn ra vào ngày 7-2, cuộc hội đàm xoay quanh hàng loạt vấn đề khác như quan hệ song phương Nga - Mỹ, an ninh mạng và các điểm nóng khu vực ở Afghanistan, Iran, Libya, Syria..., theo hãng tin Tass. Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ hội đàm là vào tháng 7-2021 tại Thụy Sĩ.
Trong ngày 4-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ thông tin trên báo The Washington Post rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, sớm nhất vào đầu năm sau, với sự tham gia của 175.000 binh sĩ.
Theo AP, nếu thật sự Moscow định tấn công Ukraine, hậu quả sẽ rất lớn, không chỉ vì quân đội Ukraine thiện chiến hơn trước mà còn vì các nước phương Tây đã chuẩn bị nhiều biện pháp trừng phạt gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Nga.
Cần lưu ý cả Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa hề công khai nhắc tới giải pháp quân sự trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, thay vào đó là đánh vào "túi tiền" của Nga.
Quân đội Ukraine tập trận gần bán đảo Crimea hôm 17-11 Ảnh: REUTERS
Trong một thập kỷ qua, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân Nga vì hàng loạt vấn đề, từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đến cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, tấn công mạng... Các biện pháp này bao gồm đóng băng tài sản, cấm làm ăn với công ty Mỹ và cấm nhập cảnh Mỹ.
Giải pháp quan trọng mà phương Tây vẫn "giấu trong tay áo", theo AP, là loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính SWIFT (tức Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, đặt trụ sở tại Bỉ, với hơn 9.000 tổ chức tài chính khắp thế giới tham gia).
Trong năm nay, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi thực hiện bước đi trên nếu Nga tấn công Ukraine.
Với Mỹ, nước này từng gây sức ép buộc SWIFT ngắt kết nối với các ngân hàng Iran. Hậu quả được bà Maria Shagina, chuyên gia về lệnh trừng phạt của Trung tâm Carnegie Moscow, chỉ ra là Iran mất gần phân nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và 1/3 kim ngạch ngoại thương.
Theo bà Shagina, ảnh hưởng xảy ra cho kinh tế Nga cũng sẽ "tương đương", bởi hơn 1/3 doanh thu liên bang của nước này phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, khí tự nhiên.
Để đối phó đòn tấn công này, từ năm 2014, Nga đã từng bước bảo vệ hệ thống tài chính nội địa. Giải pháp SWIFT cũng khiến các nền kinh tế phương Tây chịu ảnh hưởng dù không trực tiếp. Do đó, theo ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, hãn hữu lắm SWIFT mới được dùng đến.
Ông Herbst lưu ý các biện pháp trừng phạt khác như cản trở Nga vay tiền (bằng cách cấm các tổ chức tài chính Mỹ mua trái phiếu chính phủ Nga), trừng phạt thêm các ngân hàng và ngành năng lượng Nga...