Mỹ chế tạo vũ khí “nghiền nát” hệ thống phòng không Nga, Trung Quốc

Anh Tuấn (lược dịch) |

Cơ quan Các dự án Phòng thủ Tiên tiến Mỹ (DARPA) mới đây đã ký hợp đồng với Lockheed Martin và Raytheon để phát triển một thiết bị mới cho phép máy bay không người lái có thể hoạt động trong bất kỳ các khu vực phòng không chặt chẽ nào.

Loại thiết bị này có tên gọi là Thiết bị Hoạt động Trong khu vực Bị ngăn chặn (CODE), cho phép máy bay không người lái có thể vượt qua các khu vực phòng không (A2/AD) mà Nga và Trung Quốc đang thực hiện.

DARPA tin rằng, trong tương lai máy bay không người lái “có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp một cách tự động hoặc có người điều khiển dựa trên yêu cầu của người chỉ huy”.

Mỹ chế tạo vũ khí “nghiền nát” hệ thống phòng không Nga, Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ đang tìm các giải pháp khác nhau để đối đầu với chiến lược A2/AD của Nga và Trung Quốc.

“Trong giai đoạn 1, chúng tôi đã chứng minh được khả năng tiềm tàng của công nghệ điều khiển tự động và cùng với các đối tác để phác thảo kế hoạch cho tương lai”, ông Jean-Charles Lede, giám đốc phụ trách dự án CODE của DARPA cho biết.

“Chúng tôi đã chọn ra khoảng 20 phương án hoạt động khác nhau cho các máy bay, qua đó cho phép chúng có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp trong các khu vực chống xâm phạm, ảnh hưởng đến các hệ thống liên lạc và định hướng của máy bay”.

Các loại máy bay được trang bị CODE sẽ sử dụng hệ thống trí thông minh nhân tạo, giúp chúng có thể bay một cách độc lập, tự xác định và tiêu diệt mục tiêu được thiết lập mà vẫn đảm bảo an toàn khi giao chiến.

DARPA tin rằng các máy bay trang bị hệ thống CODE cũng có thể yêu cầu cứu viện hoặc thực hiện những hành động khác trong trường hợp khẩn cấp xảy ra hoặc có sự xuất hiện của một hiểm họa không lường trước.

Không những vậy, các loại máy bay trang bị hệ thống CODE sẽ chỉ cần một người để ra lệnh cho toàn bộ một nhóm phi cơ nhỏ. Người này có thể theo dõi diễn biến chiến dịch qua một giao diện thời gian thực. Trước đây, mỗi chiến dịch có liên quan đến máy bay không người lái thường cần đến khoảng 200 người để vận hành.

Trong giai đoạn 2 này, DARPA sẽ xem xét các phương án hoạt động của hai máy bay chiến đấu lần lượt được hãng Lockheed và Raytheon chế tạo, trong các buổi bay thử nghiệm. Nếu kết quả thuận lợi, DARPA sẽ đưa dự án này bước sang giai đoạn 3.

Theo đó, 6 máy bay cùng các loại phi cơ không người lái khác sẽ được thử nghiệm. Một người sẽ phải chỉ huy toàn bộ sáu máy bay này để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp.

DARPA hiểu rất rõ rằng hệ thống điện tử và an ninh mạng của Nga và Trung Quốc là hiểm họa lớn nhất đối với quân đội Mỹ nếu chiến tranh nổ ra. Vì vậy, hệ thống CODE được thiết kế để “chống chịu các hình thức gây nhiễu và được lắp đặt trên tất cả các máy bay hiện có”.

Nếu được sử dụng, CODE sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của các máy bay không người lái, đồng thời giảm bớt chi phí vận hành và bảo dưỡng. Tuy nhiên, hiệu quả của công nghệ này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng thực sự.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại