Mỹ châm ngòi cuộc chiến hạt nhân ngoài không gian

Thùy Dung |

Cùng với vũ khí siêu vượt âm, tên lửa tầm xa, vũ khí không người lái... trong tương lai có thể xảy ra cuộc chiến hạt nhân bên ngoài vũ trụ.

Theo tạp chí National Interest, việc triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài quỹ đạo Trái Đất đã bị nghiêm cấm theo Hiệp ước Ngoài không gian được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào năm 1967.

Tuy nhiên, trong trường hợp một mối đe dọa có thể khiến khả năng tấn công hạt nhân đáp trả của một quốc gia bị mất đi, các cường quốc có thể tạm gác hiệp ước này lại. Công nghệ quân sự hiện tại cho phép Nga và Mỹ có thể đưa các vệ tinh mang đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo Trái Đất, sẵn sàng tấn công vào một mục tiêu đã định.

Một cách khác để có thể tấn công từ ngoài vũ trụ, đó là trang bị tên lửa đạn đạo cho các vệ tinh không gian. Điều này cho phép tầm bắn của tên lửa được nâng lên rất nhiều, đồng thời nó có thể tấn công từ bất kỳ hướng nào.

Theo tạp chí Mỹ, hầu như mọi vùng đất đã và đang chứng kiến các cuộc chiến. Thậm chí nơi bình yên duy nhất còn lại là không gian vũ trụ cũng bắt đầu trở thành vũ đài tranh giành ưu thế quân sự giữa các cường quốc.

Mỹ châm ngòi cuộc chiến hạt nhân ngoài không gian - Ảnh 1.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa SM-3

Mỹ là siêu cường trong lĩnh vực không gian vũ trụ với nắm đấm thép là Quân đoàn không quân vũ trụ hiện đại, tinh nhuệ với trên 40.000 binh sỹ, nhân viên. Điều hành hệ thống vệ tinh quân sự và hệ thống radar mặt đất, lực lượng này có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh và vật thể trong vũ trụ cũng như theo dõi hành trình bay của mọi loại tên lửa trong không gian.

Người Mỹ luôn biện minh rằng họ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ vũ trụ nhưng không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trong vũ trụ mà để chuẩn bị cho một cuộc chiến như vậy.

Tư tưởng chuẩn bị cho cuộc chiến vũ trụ của quân đội Mỹ lên đến cao trào sau sự kiện tháng 5/2013. Thời điểm đó, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí tấn công vệ tinh. Tên lửa của Trung Quốc đã bay tới gần quỹ đạo địa tĩnh xa nhất (gần 36.000 km) để phá hủy vệ tinh. Đây là thử nghiệm thành công đầu tiên được biết đến.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã thành công trong thử nghiệm bắn hạ tên lửa ở độ cao hàng trăm km vào năm 2007. Nếu thông tin của phía Mỹ chính xác, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã nâng cao được năng lực rất đáng kể, trên thực tế đã phát triển thành công tên lửa có thể bắn hạ vệ tinh ở bất kỳ quỹ đạo nào.

Hồi tháng 7/2014, người Trung Quốc lại tiến hành thí nghiệm bắn tên lửa dưới danh nghĩa thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, sau khi phân tích tất cả các dữ liệu, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đó chính là một vụ thử bắn hạ vệ tinh.

Sự cảnh giác và lo ngại của Washington là có lý khi mà hệ thống vệ tinh chính là trung tâm đầu não của người khổng lồ Mỹ. Hầu hết hoạt động tác chiến của Mỹ đều dựa vào hệ thống vệ tinh.

Thông tin, điều khiển máy bay không người lái, điều khiển máy bay chiến đấu, giám sát mặt đất, dẫn đường tên lửa... đều phụ thuộc vào vệ tinh. Nếu vệ tinh bị phá hủy, quân đội Mỹ sẽ bị tê liệt.

Vệ tinh quân đội Mỹ đang sử dụng có 3 loại chính: vệ tinh trinh sát quỹ đạo thấp khoảng vài trăm km, hệ thống định vị toàn cầu ở quỹ đạo khoảng 20.000 km và vệ tinh thông tin ở cự ly 36.000 km. Các vệ tinh trinh sát phát hiện và cảnh báo sớm về sự xuất hiện của tên lửa đang bay cũng ở cự ly 36.000 km.

Theo các nhà phân tích, để có thể đối phó với một nước Mỹ có sức mạnh áp đảo, người Trung Quốc bắt đầu tính tới khả năng tấn công vào hệ thần kinh trung ương của Mỹ, đó là hệ thống vệ tinh. Có thông tin cho rằng người Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí laser nhằm phá hủy vệ tinh.

Theo các chuyên gia an ninh của Mỹ, không chỉ riêng Trung Quốc, mà các nước như Nga, Triều Tiên, Iran cũng đang phát triển những vũ khí phá hủy vệ tinh như công nghệ sử dụng sóng điện gây hại...

Tuy nhiên, tờ Quan điểm của Nga ngày 27/5 nhắc nhở rằng, chính người Mỹ hồi năm 2008 đã sử dụng tên lửa SM-3 để tiêu diệt một vệ tinh do thám cũ bị trục trặc mang tên USA-193. Vụ phóng được thực hiện từ một tàu tuần dương trên Thái Bình Dương và tên lửa đã tiêu diệt vệ tinh ở độ cao 246 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại