Cảnh báo của Nga không phải lời nói suông?
Các nguồn tin trên cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia những cuộc trao đổi này. Dù vậy, việc các nhà lãnh đạo quân sự Nga tiến hành các cuộc thảo luận trên đã khiến chính quyền Tổng thống Biden cảnh giác bởi điều đó cho thấy những cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin và các quan chức Nga có thể không phải lời nói suông.
Bức ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/10/2022 cho thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được thử nghiệm tại một bãi phóng ở Plesetsk, Tây Bắc nước Nga.
Dù vậy, các quan chức Mỹ nhận định hiện chưa có bằng chứng cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân tới các vị trí hoặc tiến hành các động thái để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Thông tin tình báo về các cuộc trao đổi trên đã được lan truyền trong chính phủ Mỹ vào giữa tháng 10.
Các quan chức Mỹ không nêu cụ thể các kịch bản mà các nhà lãnh đạo quân sự Nga cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Giám đốc CIA William J. Burns cho biết nếu trải qua những bước lùi quân sự, Nga có thể sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí này.
Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby từ chối bình luận về những thông tin cụ thể của báo cáo trên.
"Chúng tôi đã nhận định ngay từ đầu rằng những bình luận của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đáng quan ngại sâu sắc và chúng tôi sẽ xem xét chúng một cách nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình, song hiện không có dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng các vũ khí này", ông Kirby cho hay.
Lầu Năm Góc ước tính Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường nhằm áp đảo các lực lượng theo quy ước. Chưa có vũ khí hạt nhân chiến thuật nào từng được sử dụng trong giao tranh nhưng vũ khí này có thể được triển khai theo nhiều cách. Các vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ thấp và tầm bắn ngắn hơn so với các đầu đạn hạt nhân được triển khai trên tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Các chuyên gia quân sự cho rằng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng - lần đầu tiên trong hơn 75 năm, điều đó sẽ thay đổi căn bản cục diện cuộc xung đột. Mặc dù mức độ phá hủy phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có quy mô vũ khí và hướng gió, nhưng chỉ cần một vụ nổ hạt nhân nhỏ cũng có thể khiến hàng nghìn người thương vong và khiến những khu vực chịu ảnh hưởng của Ukraine không thể sinh sống được.
Thông tin tình báo trên được đưa ra giữa bối cảnh Moscow cáo buộc Ukraine lên kế hoạch sử dụng "bom bẩn" mặc dù Ukraine và phương Tây phủ nhận điều này và cáo buộc ngược lại Moscow.
Liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân?
Trong khi rủi ro căng thẳng leo thang vẫn ở mức cao, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh của Mỹ cho rằng các cuộc điện đàm giữa các quan chức phương Tây và Nga vào cuối tháng trước đã giúp làm giảm nhiệt liên quan đến vấn đề hạt nhân. Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Putin cũng phủ nhận việc Moscow đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
"Chúng tôi không cần làm vậy. Không có lý do gì để làm điều đó dù là trên mặt chính trị hay quân sự", Tổng thống Putin cho hay.
Nga đã tiến hành tập trận quân sự thường niên vào tuần trước để thử nghiệm các tên lửa có khả năng hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington không cho rằng cuộc diễn tập này là một hình thức che giấu việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cũng nhận định, Tổng thống Putin không có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay bom bẩn.
"Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin quyết định sử dụng bom bẩn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhận định với báo giới, song vẫn cho rằng việc thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một điều nguy hiểm.
"Nếu điều này xảy ra, đây là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong hơn 70 năm. Chúng tôi đã tuyên bố ngay từ đầu rằng họ sẽ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế", ông Austin bình luận.
Các quan chức Mỹ hiện vẫn từ chối nhận định công khai về các biện pháp phản ứng trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, song Tổng thống Biden cho biết ông không có kế hoạch đáp trả bằng các vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Giới quan sát phương Tây đánh giá, căng thẳng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã gia tăng sau các cuộc phản công của Ukraine vào đầu tháng 9.
Kể từ đó, Nga đã tiến hành nhiều động thái đáng chú ý như ra lệnh động viên một phần, sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine, thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Dù vậy, các chuyên gia quân sự dự đoán, giao tranh dữ dội giữa quân đội Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong tháng tới nhưng địa hình bùn lầy và thời tiết lạnh hơn trong một vài tuần kế tiếp có thể buộc các bên tạm dừng chiến đấu tới đầu năm sau./.