"Trong những ngày tới, Mỹ sẽ đưa ra một loạt hành động gia tăng áp lực đối với giới chức lãnh đạo Venezuela, những người đang làm việc trực tiếp chống lại lợi ích tốt nhất của người dân Venezuela. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo người dân Venezuela phải có được tiếng nói của riêng mình", ông Pompeo nhấn mạnh, nhưng từ chối đưa ra chi tiết về các hành động được lên kế hoạch.
Caracas vẫn chưa đưa ra bình luận trước thông tin này.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Venezuela ra thông cáo bác bỏ cáo buộc của Washington cho rằng Caracas từ chối hợp tác một cách đầy đủ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Caracas cùng với đó chỉ trích những đánh giá về Venezuela trong báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ nghĩa khủng bố, gọi đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng.
Chính quyền Trump thời gian qua đã tăng cường trừng phạt chống lại các quan chức trong chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Năm 2017, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt cấm bất kỳ khoản mua bán nợ nào của Chính phủ Venezuela cũng như của công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA. Washington cũng áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Venezuela, kể cả Tổng thống Maduro.
Nền kinh tế của Venezuela dưới thời Tổng thống Maduro lạm phát hàng năm lên tới mức 200.000%. Con số này có thể tăng lên mức 1.000.000% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Việc thiếu hụt thực phẩm cũng như y tế cơ bản đang dẫn tới một làn sóng di cư ở quốc gia này.
Từng là một trong những quốc gia giàu có ở Nam Mỹ với dự trữ dầu thô lớn, Venezuela giờ đây trở thành nền kinh tế khó khăn bậc nhất khu vực. Theo báo cáo của các trường đại học Venezuela, hiện có tới 80% dân số sống trong tình trạng nghèo khó.
Nguồn năng lượng từng được xem là mỏ tiền vô tận của Venezuela, nhưng giờ đây giá dầu giảm và không có bước chuyển đổi thích ứng trong quản lý kinh tế kéo dài trong nhiều năm khiến Venezuela chìm vào khủng hoảng từ năm 2014.