Mỹ "bó tay" với Triều Tiên?

Phạm Nghĩa |

Không ngừng chỉ trích các vụ thử tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có ít phương án đối phó với thách thức này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng ngày 4-7 (giờ địa phương) là mối đe dọa toàn cầu, trong khi tên lửa Triều Tiên được cho là có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump nhiều lần phản ứng trước các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí tự hỏi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chẳng lẽ không còn mối quan tâm nào khác ngoài việc phóng tên lửa.

Tuy nhiên, các lựa chọn nhằm đối phó chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên hiện chỉ xoay quanh 4 biện pháp chính: trừng phạt kinh tế, hành động bí mật, đàm phán ngoại giao và quân sự, theo hãng tin Reuters.

Trừng phạt kinh tế

Triều Tiên là một trong những quốc gia bị trừng phạt kinh tế nặng nề nhất. Không chỉ bị hạn chế về thương mại, tham gia hoạt động tài chính quốc tế mà Bình Nhưỡng còn bị giới hạn về buôn bán vũ khí cùng nhiều mặt hàng khác.

Dù vậy, báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái cho biết lệnh trừng phạt của Washington không ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Reuters tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, gồm cấm vận dầu, cấm hàng không, chặn tàu hàng và phạt ngân hàng Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên.

Phát biểu hôm 4-7, ông Tillerson nói: "Bất kỳ quốc gia nào cung cấp lợi ích kinh tế, quân sự cho Triều Tiên hoặc không thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đều bị xem là đang giúp đỡ chế độ nguy hiểm này".

Hành động bí mật

Với sự giúp đỡ của Israel, Mỹ từng can thiệp vào chương trình hạt nhân của Iran thông qua một loại virus máy tính gọi là Stuxnet. Nó phá hủy hàng ngàn máy ly tâm được sử dụng để làm giàu uranium.

Hồi năm 2015, Mỹ đã cố gắng sử dụng một phiên bản của Stuxnet để tấn công chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong hai năm 2009 và 2010 nhưng thất bại.

Một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói rằng kế hoạch không thành công do đất nước Triều Tiên ẩn chứa nhiều bí mật và hệ thống thông tin liên lạc của họ gần như bị cô lập. Điều đó cũng cho thấy giới hạn của tình báo Mỹ khi hoạt động bên trong lãnh thổ Triều Tiên.

Một cách tiếp cận bí mật khác của Washington là phát động chiến tranh điện tử hoặc tấn công mạng để vô hiệu hóa tên lửa Bình Nhưỡng trong lúc phóng hoặc ngay sau khi nó rời bệ phóng.

Đàm phán ngoại giao

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Triều Tiên nhưng phải đi kèm những điều kiện. Trong đó, mục đích sau cùng của đàm phán là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Không có cuộc đàm phán chính thức nào giữa hai nước trong 7 năm qua. Tháng 2-2012, Mỹ và Triều Tiên thông báo thỏa thuận Bình Nhưỡng sẽ ngừng hoạt động của nhà máy làm giàu uranium Yongbyon, cho phép thanh sát viên quốc tế theo dõi quá trình đóng cửa và thi hành lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Đổi lại, Triều Tiên sẽ được viện trợ lương thực.

Tháng 4 năm đó, Triều Tiên dùng rốc-két để phóng vệ tinh, bị Mỹ lên án là vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng phủ nhận. Cuối cùng, thỏa thuận này bị hoãn lại vô thời hạn.

Trung Quốc cũng đề xuất kế hoạch để Triều Tiên dừng chương trình tên lửa đạn đạo, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc hủy tập trận quy mô lớn.

Quân sự

Phương án này bao gồm tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạt nhân Triều Tiên nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Triều Tiên đã đe dọa đáp trả mạnh tay nếu bị Mỹ tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ cũng sẽ "gây ra thảm kịch với quy mô không thể tin được", đồng thời gây nguy hiểm cho Hàn Quốc.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cũng thừa nhận giải pháp quân sự là lựa chọn cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại