Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 (ZTZ99) được xem như một thiết kế dựa trên T-72 của Nga, chúng tương đồng ở phần thân và pháo chính 125 mm trang bị hệ thống nạp đạn tự động, tuy nhiên tháp pháo Type 99 lại mang hơi hướng của M1 Abrams.
Type 99 có trọng lượng 55 tấn với trái tim là động cơ diesel 1.500 mã lực, xe được nâng cấp kính ngắm ảnh nhiệt thế hệ 2,5 cùng hệ thống điều khiển hỏa lực rất tiên tiến, cho phép phát huy tối đa tầm bắn của tên lửa chống tăng phóng qua nòng.
Tổng công trình sư, kỹ sư trưởng Zhu Yu Sheng thông báo: độ dày của giáp thép tháp pháo Type 99 đạt 700 mm, thân xe đạt 500 - 600 mm.
Nếu tính cả lớp giáp phản ứng nổ được lắp bổ sung thì vỏ giáp có độ dày tương đương 1.000 - 1.200 mm, kết hợp với hệ thống phòng vệ chủ động cho ZTZ99 khả năng sống sót rất cao trên chiến trường.
Trung Quốc tự tin tuyên bố, Type 99 là "Vua xe tăng" tại châu Á, có sức mạnh tấn công lẫn phòng thủ vượt trội hoàn toàn những đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 của Trung Quốc
Với những thông số nêu trên, Type 99 tỏ ra là một đối thủ cực kỳ nguy hiểm và rất khó bị tiêu diệt bởi vũ khí chống tăng đơn giản.
Mặc dù công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đã chế tạo được súng và đạn chống tăng của RPG-29, nhưng với nhược điểm là tầm bắn ngắn, đòi hỏi phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần và cũng chỉ đảm bảo xuyên được giáp hông, chúng ta cần một vũ khí mạnh hơn để đánh bại con quái thú này.
Tên lửa chống tăng (ATGM) AT-14 Kornet do Nga sản xuất đã từng được xem như một ứng viên sáng giá sẽ sớm có mặt trong biên chế Lục quân Việt Nam.
Nhưng sau các lần thử nghiệm cho thấy sức xuyên thực tế còn thua cả RPG-29 (dù được quảng cáo đủ khả năng xâm nhập 1.200 thép sau giáp phản ứng nổ), hay gần đây nhất trên chiến trường Kornet chỉ bắn "trầy da" M60T Sabra của Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng Việt Nam cần một loại vũ khí tiên tiến hơn.
Tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin
Để tiêu diệt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, phương án tối ưu vẫn là sử dụng tên lửa có chức năng bổ nhào để thực hiện cú đánh đột nóc, do đây là vị trí được bọc giáp mỏng manh nhất.
Đại diện tiêu biểu của dòng vũ khí trên, được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và đã chứng tỏ năng lực qua thực tiễn chiến đấu chính là FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất, sức xuyên 650 mm sau giáp phản ứng nổ của nó quá đủ để xuyên thủng nóc Type 99 có độ dày chỉ trên dưới 200 mm.
Ngoài ra, các chủng loại ATGM này còn cho phép phía phòng thủ tiêu diệt chiến xa đối phương ở thế đối đầu, ngay trước tiền duyên phòng ngự, đi kèm với chế độ phóng và quên tự động (ACLOS) đây là lợi thế rõ ràng trước các thế hệ ATGM bán tự động (SACLOS) kiểu cũ như Kornet của Nga.
Do lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam đã được phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn nên tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin có thể sẽ được đưa vào danh mục mua sắm tiềm năng phục vụ cho quá trình hiện đại hóa lục quân.
Mặc dù giá thành hơi cao (100.000 - 120.000 USD/đạn tên lửa, 400.000 USD cho khối điều khiển) nhưng hiệu quả mang lại rõ ràng không phải bàn cãi.
Trong tương lai, nhiều khả năng Spike NLOS của Israel, Javelin của Mỹ cùng với RPG-29 tự sản xuất sẽ tạo thành "hàng rào chống tăng" 3 lớp từ xa tới gần cực kỳ lợi hại của Việt Nam, bảo đảm tiêu diệt được mọi chiến xa tối tân nhất của kẻ thù có ý định xâm phạm lãnh thổ.