Trong văn hóa và trong đời sống của người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, các vị thần tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu thương, lòng vị tha... luôn là một phần quan trọng không thể thiếu. Vậy nên nếu ai đó xúc phạm đến các vị thần là điều khó tha thứ.
Đầu tháng 5 mới đây, trang Snopes.com (một website chuyên vạch trần những tin giả trên mạng Internet) nhận được nhiều câu hỏi từ độc giả yêu cầu kiểm tra tính chính xác và xác thực của một video được chia sẻ rộng rãi trong đó tuyên bố rằng những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ đã vứt bỏ các tượng thần mà họ vốn rất tôn thờ.
Đây được xem là cử chỉ tức giận và tuyệt vọng vì các vị thần không thể bảo vệ họ khỏi sự gia tăng nghiêm trọng các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gây ra.
Ảnh cắt từ video được chia sẻ rộng rãi trong đó tuyên bố rằng những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ đã vứt bỏ các tượng thần mà họ vốn rất tôn thờ
Cụ thể, trong đoạn video dài 1 phút lan truyền trên mạng xã hội, một người đàn ông nói tiếng Anh đóng vai trò như một MC dẫn dắt bản tin với chủ đề “Những tượng thần bị ném trên đường phố”.
Ở góc trên bên phải của màn hình có thể nhìn thấy dòng chữ “Imam Hussein”, trong khi góc dưới bên trái có dòng chữ “Shia Waves: Shia World News”. Video này có 2 phần: phần 1 cho thấy chiếc máy xúc hất đống tượng thần xuống nước.
Nội dung "bản tin" cho biết:
"Một số lượng lớn người Ấn Độ đã ném tượng các vị thần mà họ tôn thờ trên đường phố, khi số lượng ca nhiễm Covid-19 và tử vong tăng vọt ở nước này. Người Ấn Độ bày tỏ sự tức giận trước những tượng thần mà họ tôn thờ không bảo vệ họ khỏi dịch bệnh. Họ cầu nguyện các vị thần che chở cho họ thoát khỏi dịch bệnh nhưng không thành và họ đã phá hủy chúng".
Sự thật có đúng như vậy? Câu trả lời là không, thực tế, đoạn video này đã xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19 và hoàn toàn bị cắt ghép.
Trong vài năm gần đây, những thông tin sai lệch - chủ yếu được lan truyền bởi các mạng xã hội trực tuyến và WhatsApp - đã xuất hiện tràn lan ở Ấn Độ. Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 kết hợp vấn đề chia rẽ về tôn giáo và giai cấp hiện có đã tạo nên rất nhiều thuyết âm mưu và tin đồn không đúng sự thật, một số còn được cho là nhắm vào nhóm Hồi giáo Ấn Độ.
Theo Snopes, đoạn video này lần đầu tiên xuất hiện trên mạng vào tháng 5 năm 2021 và được phát sóng trên Imam Hussein TV, một mạng truyền hình đa quốc gia ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia Iraq-Iran, Sadiq al-Shirazi.
Imam Hussein TV, trang web ShiaWaves.com, và đài truyền hình Shia Waves, đều thuộc sở hữu và điều hành của Imam Hussein Media Group. Imam Hussein TV phát sóng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, thông qua các ứng dụng di động và thiết bị OTT (over-the-top) như trình phát Roku.
Cũng theo tìm hiểu của Snopes, vào cuối các lễ hội kéo dài nhiều ngày nhằm tôn vinh các vị thần Hindu, người ta thường ngâm các thần tượng vào nước trước khi vứt bỏ chúng. Trong lịch sử, điều này đã được thực hiện bằng cách ngâm các thần tượng trong sông và hồ, nhưng trong những năm gần đây, những lo ngại về ô nhiễm nguồn nước, các nhà chức trách đã tìm cách ngăn cấm việc này.
Đây chỉ đơn giản là nghi lễ "ngâm tượng thần" được thực hiện sau một lễ hội để tôn vinh một vị thần Hindu nào đó
Phân cảnh thứ 2 được sử dụng trong video thậm chí còn cũ hơn đoạn đầu tiên và cũng không liên quan đến đại dịch Covid-19. Theo báo cáo ban đầu của hãng Agence France-Presse vào tháng 5 năm 2020, đoạn phim thực sự cho thấy các thần tượng bị lật từ phía sau một chiếc xe tải xuống sông Krishna ở bang Telangana hồi năm 2015, như một phần của nghi lễ ngâm tượng thần khi kết thúc một lễ hội ở tôn vinh thần Ganesh.
Đoạn phim do Imam Hussein TV/Shia Waves sử dụng đã được đăng lên Facebook vào đầu tháng 9 năm 2015.
Có thể khẳng định, đoạn video lan truyền trên mạng xã hội không có bất kỳ mối liên hệ nào với đại dịch Covid-19. Đó chỉ đơn giản là nghi lễ "ngâm tượng thần" được thực hiện sau một lễ hội để tôn vinh một vị thần Hindu, chứ không phải là một minh họa về việc những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ từ bỏ đức tin của họ hàng loạt.