1. Thái độ tích cực chủ động
Những người giỏi kiếm tiền, họ trước giờ không bỏ qua bất cứ một cơ hội để luyện tập hay nâng cao bản thân nào, họ luôn xem đó là những cơ hội hiếm có khó tìm. Họ luôn nhận thức ra được một điều rằng những việc ngoài bổn phận của hôm nay có thể là những việc họ có thể được làm trong ngày mai.
Tôi thường thấy họ can đảm tiếp nhận những việc ngoài trách nhiệm mà người khác không dám nhận đồng thời nỗ lực để tìm ra một kết quả khả quan.
Ở họ toát lên một tinh thần kính nghiệp, trung thành và hiệu quả, và chúng chủ yếu được biểu hiện ở: Phương thức tư duy hiện đại hóa. Họ có một tư duy quản lý tiên tiến đồng thời có thể áp dụng một cách hoàn hảo vào thực tiễn.
Ngôn hành cử chỉ không tư lợi, trong các hoạt động nghiệp vụ của công ty, họ tuyệt đối không đem sự ích kỉ vào trong đó. Cứ như vậy, họ dám lên tiếng, dám chỉ ra sai sót của đồng nghiệp, hay dám chỉ trích những khiếm khuyết về chất lượng của các nhà cung cấp.
Bởi lẽ, khi bạn không tư lợi, khi bạn sống trong sạch, bạn sẽ chẳng phải sợ hãi bất cứ điều gì. Với họ, sự chuyên nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, tinh thần này giúp họ được yêu mến và hoan nghênh trong bất cứ công ty hay tổ chức nào, từ đó, sớm đạt được thành công.
2. Năng lực tư duy toàn diện
Đối mặt với những vấn đề mới xuất hiện trong công việc, khi tạm thời còn chưa có cách giải quyết hay cấp trên cũng chưa đưa ra được thần mưu diệu kế gì, họ lại rất giỏi trong việc sử dụng tư duy nghịch để truy ngược lại vấn đề từ đó tìm ra phương hướng giải quyết.
Họ biết rằng những nhà chuyên môn có thể dễ dàng tìm ra lỗ hổng hơn so với lớp lãnh đạo. Sử dụng tư duy nghịch để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn thoát khỏi vấn đề một cách nhanh chóng hơn.
Khi suy nghĩ tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề, người bình thường có thói quen đứng trên phạm vi lập trường của mình để có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh lẹ nhất, còn những người thành công lại luôn đứng trên lập trường của công ty hay lãnh đạo để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề.
Đối với một công ty hay một ông chủ, điểm khởi đầu để giải quyết vấn đề luôn là làm thế nào để tránh các vấn đề tương tự tái diễn, thay vì một kế hoạch giải quyết vấn đề tạm thời. Luôn có thể đứng trên quan điểm của công ty hoặc ông chủ để đưa ra giải pháp cho vấn đề, dần dần họ trở thành những người đáng tin cậy nhất.
3. Năng lực tổng kết
Họ sở hữu năng lực phân tích, quy nạp, tổng kết mạnh hơn người bình thường. Luôn có thể tìm ra được quy luật đồng thời biết cách nắm chắc mọi thứ, từ đó đạt được thành công dù chỉ bỏ ra một nửa sức lực.
Người ta thường nói cần cù không bằng lanh lợi, nhưng làm sao để lanh lợi thì không phải ai cũng biết, người bình thường bận rộn tới nỗi một ngày 24 tiếng đồng hồ cũng không đủ, còn họ, cả ngày lại luôn rất thong thả, thảnh thơi.
4. Năng lực biểu đạt bằng chữ viết
Lãnh đạo thường không có thời gian để đọc những báo cáo quá dài dòng, vì vậy làm sao để tạo ra một báo cáo súc tích ngắn gọn nhưng vẫn truyền đạt được hết điều mình muốn nói cũng là một kĩ năng vô cùng quan trọng.
Dù vấn đề có phức tạp tới đâu họ cũng có thể lắng đọng lại nó trong một tờ giấy A4. Nếu cần phải giải thích chi tiết vấn đề, họ sẽ đính kèm báo cáo hoặc biểu mẫu dưới dạng tệp đính kèm.
Lãnh đạo chỉ cần duyệt một trang hoặc một bảng để có cái nhìn tổng quan về mọi thứ, còn nếu họ quan tâm đến vấn đề này hoặc cho rằng nó quan trọng, họ có thể đọc thông tin trong tệp đính kèm để biết thêm chi tiết.
Ngoài ra, khi nhận thấy rằng giao tiếp trực tiếp với sếp không đem lại hiệu quả, họ sẽ sử dụng các phương thức khác như e-mail, hoặc thư viết, báo cáo để hồi âm. Bởi lẽ, giao tiếp bằng văn bản đôi khi có thể đạt được hiệu quả mà giao tiếp ngôn ngữ trực diện không thể đạt được.
Nó có thể biểu đạt một cách toàn diện hơn các ý kiến, đề xuất và phương pháp đang được bàn đến. Nó khiến ông chủ xem xét hết toàn bộ điều bạn muốn nói, thay vì ngắt lời hoặc ngắt điện thoại trong khi bạn đang nói.
Nó cũng thuận tiện hơn về mặt thời gian cho lãnh đạo bởi họ có thể lựa chọn thời gian mà họ rảnh hoặc tâm trạng thoải mái để xem xét các vấn đề, như vậy thì mọi quyết định đưa ra cũng sẽ chính xác hơn.
5. Năng lực thu thập thông tin
Họ rất quan tâm đến việc thu thập tất cả các loại thông tin, bao gồm các chính sách, báo cáo, kế hoạch, chương trình, báo cáo thống kê, quy trình kinh doanh, hệ thống quản lý, phương pháp đánh giá…
Họ còn đặc biệt chú ý đến thông tin của đối thủ cạnh tranh, bởi lẽ bất kỳ quá trình kinh doanh thành công nào cũng là sự tích lũy của rất nhiều kinh nghiệm và bài học, khi cần tới lúc sử dụng, nó đã có sẵn trong tầm tay của bạn. Đây là điều không thể được tìm thấy trong bất kỳ sách giáo khoa, hay cũng không được dạy bởi bất cứ giáo viên nào.
6. Khả năng lập phương án giải quyết
Khi gặp vấn đề, họ sẽ không để các nhà lãnh đạo phải "hỏi và đáp", thay vào đó, họ sẽ để lãnh đạo "làm trắc nghiệm". Khi người bình thường gặp phải vấn đề, việc đầu tiên họ làm là báo cáo với lãnh đạo và thỉnh giáo giải pháp, rồi đem theo đôi tai lắng nghe cẩn thận các bước cụ thể từ lãnh đạo, đây chính là việc kêu lãnh đạo "hỏi và đáp".
Ngược lại những người tài giỏi, họ thường mang tới cho lãnh đạo nhiều giải pháp của riêng mình rồi để lãnh đạo lựa chọn và quyết định, đây gọi là "làm trắc nghiệm". Và tất nhiên, không chỉ lãnh đạo mà bất cứ ai cũng đều thích hình thức khoanh trắc nghiệm hơn.
7. Khả năng chịu được áp lực
Cạnh tranh khốc liệt, rủi ro của doanh nghiệp đang ngày một lớn hơn, sự thành bại của một doanh nghiệp nào đó hoàn toàn có thể chỉ là chuyện của một đêm. Đối với người giỏi giang mà nói, sự thay đổi chức vị hoặc thậm chí việc mất miếng cơm, tất cả đều không có gì đáng sợ, bởi lẽ họ có một khả năng tiếp nhận thay đổi lớn hơn người bình thường.
Gặp phải thất bại, vấp ngã và đả kích, họ thường có thể tự an ủi và xốc lại bản thân rất nhanh, còn rất nhanh chóng học đúc kết ra được những bài học kinh nghiệm từ trong đó.
Hơn thế nữa, khi mục tiêu cá nhân đặt trong một tổ chức nào đó mà không thực hiện được, cộng thêm việc tạm thời không thể thoát ra được khỏi môi trường hiện tại, họ thường sẽ điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn đồng thời kết hợp mục tiêu đó với mục tiêu phát triển của công ty.
Làm vậy, quan điểm của mọi người sẽ dễ đạt được tiếng nói chung hơn, và kết quả là, cả nhà đều vui.
8. Năng lực thích ứng với văn hóa công ty
Thay đổi công ty mới đối với người giỏi giang chẳng qua cũng chỉ giống như thay đổi một địa điểm văn phòng mới, họ vẫn có thể như cá gặp nước trong môi trường này.
Từ họ, bạn sẽ tìm thấy được sự trung thành với công ty. Họ nhận thức được một điều rằng lòng trung thành không chỉ có lợi cho công ty và ông chủ, mà người hưởng lợi nhiều nhất là chính họ, bởi vì một khi ý thức trách nhiệm và lòng trung thành đối với công ty được hình thành, họ sẽ trở thành một người đáng tin cậy và có thể được giao phó những nhiệm vụ quan trọng.
Họ nhận thức rõ hơn ai hết rằng lợi tức có được từ sự đầu tư cho lòng trung thành thực sự rất cao.
9. Năng lực học hỏi
Họ rất coi trọng và giỏi nắm bắt các cơ hội được đi đào tạo và thường hỏi các công ty liệu có cung cấp cơ hội đào tạo ngay từ khi tham gia phỏng vấn.
Đối với họ, một doanh nghiệp, nếu mức lương và lợi ích của nó chưa đạt đến mức thỏa đáng, nhưng có nhiều cơ hội để được đào tạo và thực hành, thì họ cũng rất vui vẻ đầu quân, bởi dẫu sao thì, luôn có những kinh nghiệm mà bạn không thể mua được bằng tiền.