Muôn kiểu làm thêm trong dịp Tết Nguyên đán

Xuân Anh |

Gần Tết Nguyên đán, trong khi nhiều người tất bật mua sắm, chuẩn bị về quê đón Tết thì một số người khác lại tranh thủ dịp này để làm thêm, tăng thu nhập và cảm nhận không khí Tết nơi đô thị.

Cơ hội làm thêm lương cao

Dịp trước và trong Tết Nguyên đán, các dịch vụ mua sắm, ăn uống trở nên đắt hàng hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhiều chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh, quán ăn đã thuê thêm nhân viên làm việc thời vụ.

Người quản lý của một quán ăn trên đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do lượng khách vào dịp Tết rất đông nên quán đã tuyển thêm hơn 30 nhân viên thời vụ làm việc xuyên suốt những ngày Tết với mức lương cao gấp 3 lần ngày thường.

Do cần nhiều người trong thời gian ngắn, công việc khá đơn giản nên quán ưu tiên tuyển các sinh viên đi làm thêm.

Tương tự, nhiều quán cà phê, shop thời trang ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng trưng biển tuyển dụng nhân viên làm việc thời vụ dịp trước, trong Tết với mức lương cao, kèm theo tiền thưởng…Nhiều sinh viên đã không bỏ lỡ cơ hội này để kiếm tiền và rèn luyện kỹ năng.

Trần Đỗ Bình, sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều sinh viên ở các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn đã chủ động tìm việc làm thêm tại Thành phố Hồ Chí Minh để có thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống sinh viên.

Vào dịp Tết Nguyên đán, tại Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều công việc làm thêm phù hợp với sinh viên như: Phụ việc tại quán ăn, phục vụ quán cà phê, bán hàng thời trang…

Hơn nữa, làm thêm vào dịp Tết thường được trả lương cao hơn nhiều so với ngày thường nên ngay sau khi được nghỉ Tết ở trường Bình đã tranh thủ về quê ở Bình Thuận thăm gia đình rồi lại quay về Thành phố Hồ Chí Minh xin làm thêm ở quán ăn.

Trịnh Thị Ngọc Trâm, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex, quê ở Tiền Giang cũng quyết định ở lại làm thêm đến hết Tết mới về quê thăm gia đình. Ngọc Trâm cho biết, ngày thường em cũng đi làm thêm vừa để trang trải chi phí học tập, vừa tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này.

Trung bình mỗi tháng làm nhân viên phục vụ Trâm được trả khoảng 2 triệu đồng, còn dịp Tết, Trâm được nhận 250 - 300 ngàn đồng/ngày nên chỉ cần làm trong khoảng 1 tuần Trâm đã có thu nhập bằng lương làm thêm của cả tháng. Trâm hy vọng sau Tết sẽ có tiền mua quà cho gia đình và để dành đóng học phí.

Đua nhau làm thêm

Không chỉ có sinh viên, nhiều nhân viên văn phòng cũng tranh thủ dịp Tết để kiếm thêm thu nhập. Các mặt hàng được nhiều người chọn bán trong dịp Tết là bánh, mứt, các loại chả, giò…

Chị Lý Thu Hương, nhân viên văn phòng ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh chọn bán bánh chưng trong dịp Tết.

Chị Hương chia sẻ, nhiều gia đình ở thành phố, đặc biệt là những gia đình sống trong chung cư thường không có thời gian, điều kiện để gói và nấu bánh nên chị Hương đã nhờ người thân ở Bình Dương gói bánh rồi đưa vào thành phố để bán.

Chị Hương chỉ đăng bán trên mạng xã hội facebook nhưng không ngờ lại khá đắt hàng. Đến ngày 27 tháng Chạp, lượng bánh được đặt mua đã lên tới vài trăm cái. Ngoài ra, chị Hương còn bán thêm giò lụa, chả bò tự làm.

Nhắc đến hoạt động kinh doanh dịp Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến những người bán hoa và các loại cây kiểng.

Anh Phạm Thành Nhơn ở Bến Tre cho biết, Bến Tre có nhiều vựa cây kiểng nổi tiếng như Chợ Lách, Cái Mơn, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh lại có sức mua lớn nên năm nào anh cũng tranh thủ chuyển hoa, cây kiểng từ Bến Tre lên Thành phố Hồ Chí Minh bán để kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Nhơn, từ ngày 20 tháng Chạp, những người bán hoa, cây kiểng ở miền Tây bắt đầu đưa mai, quất, cúc vạn thọ, mào gà… tập kết về thành phố để phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do lượng người mua thường tập trung vào những ngày giáp Tết nên anh cũng như nhiều người bán hoa, cây kiểng cố gắng bán tới chiều 30 tháng Chạp mới về.

Anh Hồ Văn Nguyên- một nghệ nhân điêu khắc gỗ ở Đồng Nai lại lựa chọn việc điêu khắc trên dưa hấu để kiếm thêm thu nhập dịp Tết.

Anh Nguyên cho biết, từ ngày 25 tháng Chạp, anh đã chuyển khoảng 3 tấn dưa hấu đến Thành phố Hồ Chí Minh và cùng một số người bạn khắc chữ “Phúc” “Lộc”, “Thọ" cùng các hình ảnh tượng trưng cho sự may mắn như cá chép hóa rồng, đồng tiền vàng... lên trái dưa hấu để bán.

Công việc khắc chữ trên dưa hấu thoạt nhìn có vẻ nhẹ nhàng nhưng thật ra khá vất vả. Để khắc được những hình cầu kỳ lên trái dưa, cần có sự khéo léo, tỉ mỉ. So với việc điêu khắc gỗ, tiền lãi từ khắc chữ trên dưa hấu không nhiều nhưng đã thành thói quen, mỗi dịp Tết đến mà không khắc hình, khắc chữ lên trái dưa anh Nguyên lại cảm thấy thiếu vắng.

Công việc khắc chữ lên trái dưa để bán, mang lại may mắn đến cho nhiều người cũng là một cách để mình cảm nhận hương vị ngày Tết, anh Nguyên chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại